Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám chữa bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày  29/7, tại TPHCM, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám, chữa bệnh. Tham gia có đại diện Sở Y tế các tỉnh, TP, lãnh đạo bệnh viện, các trường đại học chuyên ngành y, các hội nghề nghiệp khu vực phía Nam…

Theo Bộ Y tế, Luật Khám chữa bệnh có hiệu lực ngày từ ngày 1/1/2011 đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh và giấy phép hoạt động. Tính đến tháng 12/2018, cả nước đã cấp chứng chỉ hành nghề cho hơn 363.400 cá nhân và đã cấp giấy phép hoạt động cho hơn 49.980 cơ sở khám, chữa bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/1 lượt khám; quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước, tùy theo loại hình khám bệnh.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập đến những bất cập trong việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho một bác sĩ không có thời hạn xác định dẫn đến tình trạng người được cấp chứng chỉ hành nghề không còn đủ khả năng, điều kiện để hành nghề đã cho thuê, mướn lại chứng chỉ hành nghề của mình. Đã có trường hợp dù mắc bệnh nặng, không thể trực tiếp khám chữa bệnh nhưng vẫn tiếp tục có tên trong danh sách đăng ký hoạt động khám chữa bệnh hoặc đã ra nước ngoài từ lâu nhưng vẫn có tên đăng ký hành nghề y tại Việt Nam. Các đại biểu đề xuất, nên sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong việc cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho từng chức danh tương ứng.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc cấp chứng chỉ hành nghề không xác định thời hạn cho nhân viên y tế khiến cho người hành nghề y không có ý thức nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Trong khi đó, đòi hỏi bác sĩ phải luôn cập nhật các kỹ thuật mới, các tiến bộ của y học để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh. Việc cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay mới chỉ được tiến hành trên giấy tờ mà không qua một kỳ sát hạch cụ thể đã không thể đánh giá đúng năng lực thực chất của người hành nghề y. Ngoài ra, Luật cũng cần có quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với những người không hành nghề trong 2 năm liên tiếp hoặc không tham gia các chương trình đào tạo liên tục hay có sai sót chuyên môn nghiêm trọng.

Cũng về vấn đế cấp chứng chỉ hành nghề, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng cho rằng, Luật khám chữa bệnh ban hành là để áp dụng cho mọi người hành nghề trên đất nước Việt Nam. Vì vậy, các bác sĩ nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam cũng phải thi, kiểm tra để kiểm chứng năng lực. Bác sĩ muốn hành nghề phải thi chứng chỉ, thậm chí phải tổ chức thi nhiều vòng nhằm có sự sàng lọc đảm bảo trình độ chuyên môn của bác sĩ khám chữa bệnh.

Một số đại biểu đề xuất, cần xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực y tế quốc gia để dự báo và xác định quy mô đào tạo nhân lực cho ngành y tế một cách phù hợp; xem xét xây dựng quy trình thanh tra chuyên ngành y tế phù hợp với tính chất đặc thù để khi tác nghiệp phù hợp với thực tế…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám chữa bệnh; tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám chữa bệnh. Ngành y tế cũng sẽ xem xét, có kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể chưa phù hợp trong Luật Khám chữa bệnh, trong đó có cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh…

S.Hải

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo