Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp

Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP Cao Thanh Bình phát biểu tại buổi giám sát

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 29/3, Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP do đồng chí Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP làm trưởng đoàn, có buổi giám sát với Sở Giáo dục và Đào tạo TP về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/2021/NQ-HĐND của HĐND TP về chính sách phát triển giáo dục mầm non (GDMN) ở địa bàn có khu công nghiệp tại TPHCM.

67,9% cơ sở GDMN độc lập được hưởng trợ cấp

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, hiện có 84 cơ sở GDMN độc lập tại khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) thực hiện hồ sơ hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết. Trong đó, 57/84 (tỉ lệ 67,9%) cơ sở GDMN độc lập được hưởng trợ cấp; 27/84 (tỉ lệ 32,1%) cơ sở GDMN độc lập chưa được hỗ trợ do đa số các cơ sở không đủ 30% số trẻ là con công nhân nên không đủ điều kiện; một số nhóm lớp giải thể, tạm ngưng hoạt động, một số không có nhu cầu hưởng trợ cấp.

Hiện TP có 6.151 trẻ là con công nhân làm việc trong KCN-KCX thực hiện hồ sơ hỗ trợ chính sách theo Nghị quyết. Có 82,7% trẻ được hưởng trợ cấp và 17,3% trẻ chưa được hỗ trợ, do chưa hoàn tất hồ sơ, một số phụ huynh chưa làm hồ sơ xác nhận kịp. Tại thời điểm xây dựng chính sách, có 212/508 giáo viên làm việc tại các cơ sở GDMN độc lập trong khu công nghiệp, khu chế xuất được hưởng trợ cấp; 296/508 giáo viên chưa được hỗ trợ, do nhóm lớp phụ trách không đủ 30% số trẻ là con công nhân làm việc trong KCN-KCX.

Có một số khó khăn khi thực hiện Nghị quyết như: điều kiện để nhận hỗ trợ nhiều quận huyện có khu công nghiệp, tuy nhiên, không có trường hay nhóm, lớp; một số nhóm lớp lân cận trong khu công nghiệp thì số lượng con công nhân không nhiều, một số cơ sở GDMN chưa đủ 30% trẻ em là con công nhân nên các nhóm, lớp chưa nhận được gói hỗ trợ theo quy định...

Tiếp tục quan tâm và hỗ trợ kịp thời cho người hưởng thụ chính sách

Sở GD-ĐT TP đề xuất TP quan tâm đến chế độ hỗ trợ giáo viên ngoài công lập trong việc nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019; tiếp tục có thêm những chế độ chính sách hỗ trợ cho trẻ, giáo viên mầm non, các cơ sở GDMN ngoài công lập ở KCN-KCX trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc cho biết, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu có đề xuất thực hiện Nghị quyết, nâng dần tỷ lệ chuyển tiền qua tài khoản của người thụ hưởng. Xem xét mức hỗ trợ phù hợp với nghị định chung, đề xuất hỗ trợ cho giáo viên chưa đạt chuẩn, thời gian hỗ trợ… Sở sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh để thực hiện Nghị quyết 27 hiệu quả hơn.

Thay mặt đoàn, đồng chí Cao Thanh Bình ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Sở GD-ĐT trong triển khai thực hiện Nghị quyết 27. Sở đã có văn bản hướng dẫn, khảo sát, tổ chức thực hiện, đánh giá bước đầu thực hiện Nghị quyết 27. Trong quá trình tổ chức thực hiện, có những vấn đề cần quan tâm tuyên truyền triển khai thực hiện đối với các địa phương, Do vậy, đồng chí Cao Thanh Bình đề nghị Sở cần có văn bản nhắc nhở phòng giáo dục tăng cường tuyên truyền để phụ huynh biết và kịp thời thực hiện thủ tục thụ hưởng chính sách. Trong công tác phối hợp cần tăng cường phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ, KCN-KCX để có danh sách thống nhất.

Đồng chí đề nghị Sở tiếp tục rà soát Nghị quyết 27, xem xét những vướng mắc, khó khăn của trường mầm non tư thục, nghiên cứu cách tổ chức thực hiện của các tỉnh thành trong khu vực, 4 TP trực thuộc Trung ương để trình HĐND TP nếu có điều chỉnh, mở rộng đối tượng thụ hưởng, mức hỗ trợ phù hợp. Nếu thực tế, tỷ lệ 30% số trẻ là con công nhân làm việc trong KCN-KCX được hưởng chính sách khó thực hiện thì có thể đề xuất Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm tỷ lệ còn 20%.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đạt chuẩn giáo viên, cách thức nguồn chi hỗ trợ, để bảo đảm chính sách đến tay người dân, bảo đảm nguồn chi trả đến tay người thụ hưởng sớm nhất, hỗ trợ tốt nhất cho người thụ hưởng để tạo động lực cho người thụ hưởng gắn bó với TP. Song song đó, Sở GD-ĐT rà soát lại chính sách hỗ trợ từ Trung ương cho bậc mầm non, cần có chính sách nào để tạo dộng lực phát triển ngành mầm non, tránh tối đa gánh nặng cho phụ huynh, để phụ huynh yên tâm cho con đi học. Thời gian qua, TP đã tiên phong có chính sách kịp thời hỗ trợ cho ngành mầm non, cần có đánh giá tác động tổng thể chung cho quá trình phát triển TP, đất nước.

Mức vận động phải phù hợp với thực tế, tránh trở thành gánh nặng cho phụ huynh

Tiếp đó, đoàn cũng khảo sát, trao đổi, lắng nghe ý kiến của Sở GD-ĐT về tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM từ năm học 2023 -2024.

Theo quan điểm của UBND TP khi xây dựng Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM từ năm học 2023 - 2024, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của TP, khả năng đóng góp thực tế của người dân, tránh tình trạng lạm thu và hiểu nhầm là lạm thu gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Quang cảnh buổi làm việc Quang cảnh buổi làm việc

Trên cơ sở khảo sát, phân tích chi phí thực hiện các hoạt động dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập, trên nguyên tắc các mức thu quy định tại Nghị quyết là mức tối đa. Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng sống… cho học sinh theo nhu cầu ngoài giờ học chính khóa. Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án; khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh, mức thu theo thực tế phát sinh và có thỏa thuận với phụ huynh học sinh.

Đồng chí Cao Thanh Bình đề nghị Sở có khảo sát, đề xuất phù hợp và cố gắng hoàn thành tờ trình vào giữa tháng 6/2023 để chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP. Trong đó, cần lưu ý, các khoản thu chi trong hoạt động giáo dục, khi phê duyệt các khoản thu ở mức không quá cao; tăng cường hệ thống quản lý số về vận động tài trợ ở các trường, chú trọng công tác phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ của các trường, bởi đây là nội dung nhạy cảm. Trên tinh thần khuyến khích đóng góp xã hội cho giáo dục, nhưng cần xem xét kỹ danh mục vận động tài trợ cũng như mức vận động phải phù hợp với thực tế, tránh trở thành gánh nặng cho phụ huynh.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo