Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa phải bảo đảm an ninh quốc phòng

Đoàn TPHCM thảo luận chiều 24/5

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Dự thảo nghị quyết cho phép tỉnh Khánh Hòa được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù hiện đã được Quốc hội cho phép áp dụng với một số địa phương khác như: hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ một số khoản thu phân chia và một số khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% so với dự toán; được vay không quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 và trong thời gian thực hiện Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chung đô thị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, dự thảo Nghị quyết có thêm 4 cơ chế, chính sách mới so với các địa phương khác, trong đó có tách hỗ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư công và phát triển Khu kinh tế Vân Phong.

Thảo luận về nội dung này, đa số ý kiến các đại biểu ủng hộ có nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội nhằm tạo công cụ pháp lý hữu hiệu để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các chính sách về quản lý tài chính, ngân sách, quy hoạch; đất đai tương tự như các địa phương khác vừa được Quốc hội cho phép thực hiện.

Nhưng các đại biểu cũng lưu ý vấn đề bảo đảm chủ quyền biển đảo, bảo đảm quốc phòng an ninh khi thực hiện giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển, vì Khánh Hòa là địa phương có có quần đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh. Cần có những quy định mang tính hàng rào kỹ thuật khi thực hiện chính sách này. Khi thực hiện cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Vân Phong cần bảo đảm quy định chặt chẽ trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) ủng hộ có cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa nhưng bắt buộc phải bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo. Cần quy định rõ tiêu chuẩn về nhà đầu tư chiến lược, cả về vốn đầu tư, thời gian đầu tư. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, dự thảo nghị quyết phải khẳng định nhà đầu tư nước ngoài không được đồng sở hữu bến cảng, sân bay.

Nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép tỉnh Khánh Hòa được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, không phải tỉnh nào “xin” cơ chế, chính sách đặc thù cũng được mà phải có căn cứ chặt chẽ. Khánh Hòa có đặc thù về vị trí địa lý, nằm ở trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; có quần đảo Trường Sa, quân cảng Cam Ranh, là tâm điểm kết nối giữa vùng Tây Nguyên với Nam Trung bộ. Việc phát triển tỉnh Khánh Hòa có vai trò quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; tác động lan tỏa vùng miền. Bộ Chính trị cũng đã có Nghị quyết số 09-NQ/TW khẳng định rõ yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó nêu rõ Khánh Hoà phải trở thành một trong những hình mẫu về kết hợp giữa phát triển kinh tế, quốc phòng và an ninh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chủ trương chung của Trung ương là giao cho Chính phủ vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện có để có các chính sách đặc thù cho từng vùng; nếu cần thiết, Quốc hội sẽ nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách đặc thù cho vùng ở mức cao hơn để có tính liên kết vùng, tính lan toả vùng cao hơn. Những cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương mà Quốc hội đã quyết định và đang bàn (Khánh Hòa) tới đây sẽ tổng kết, đánh giá để đưa thành các quy định mang tính phổ quát chung. Sau này, nếu có cơ chế chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ cho vùng chứ không có đặc thù cho từng địa phương nữa (trừ việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị ở một số địa phương).

Tựu trung, các ý kiến đều ủng hộ có nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhưng yêu cầu phải bảo đảm vấn đề an ninh quốc phòng, phải có hàng rào kỹ thuật với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, nhà đầu tư nước ngoài không được đồng sở hữu bến cảng, sân bay và ở một số vị trí khác. 

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo