Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Đoàn đại biểu Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt của Quốc hội Pháp do bà Stephanie Đỗ làm trưởng đoàn. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 17/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam của Quốc hội Pháp do Chủ tịch Nhóm, bà Stéphanie Đỗ, làm trưởng đoàn.

Chào mừng Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt Nam thăm làm việc tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp vào tháng 4/2019 vừa qua, đã hội kiến Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện, Thủ tướng Cộng hòa Pháp.

Các nhà lãnh đạo Pháp đã khẳng định sự ủng hộ đối với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam -Liên minh châu Âu (IPA), điều đó thể hiện quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp rất hiệu quả.

Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề xuất các nhóm nghị sỹ hữu nghị hai nước tăng cường gặp gỡ, giao lưu để tăng hiểu biết về đất nước con người mỗi bên.

Bà Stéphanie Đỗ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian cho cuộc tiếp; nhấn mạnh mối quan hệ hai nước có bề dày hơn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện sự tin cậy qua các chuyến thăm cấp cao hai nước thời gian qua.

Đánh giá cao chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào tháng 4/2019 vừa qua, bà Stéphanie Đỗ bày tỏ vinh dự đã tham gia một số hoạt động cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

Nhấn mạnh các nội dung được trao đổi, bà Stéphanie Đỗ cho rằng chuyến thăm là bước ngoặt trong mối quan hệ phát triển mạnh mẽ giữa hợp tác nghị viện cũng như các địa phương hai nước.

Bà Stéphanie Đỗ cho biết từ hai năm nay, với cương vị là đại biểu Quốc hội, đồng thời là Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Pháp-Việt tại Quốc hội Pháp, bà luôn sẵn sàng có những đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị cũng như hợp tác hai nước cũng như trên trường quốc tế.

Bà Stéphanie Đỗ vui mừng nhận thấy các dự án hợp tác song phương được triển khai tích cực, trong đó có dự án xây dựng Chính phủ điện tử.

Khẳng định cùng với sự ủng hộ việc ký kết EVFTA, bà Stéphanie Đỗ cho biết ưu tiên thời gian tới tăng cường hơn nữa quan hệ giữa doanh nghiệp hai nước và khuyến khích việc làm sao để ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu.

Bà Stéphanie Đỗ nhấn mạnh vấn đề bảo vệ sinh thái hai bên cần quan tâm, đặc biệt khi EVFTA đã được ký kết; mong muốn hai bên lưu tâm việc tuân thủ Hiệp định Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị Việt Nam-Pháp đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và bền vững, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013.

Quan hệ Việt Nam-Pháp có bề dày cùng sự gần gũi, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân hai nước đã tạo nền tảng cho Đối tác chiến lược mà hai nước đã thiết lập; đồng thời khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp trong chính sách đối ngoại.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh với các đại biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: TTXVN) Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh với các đại biểu tại buổi tiếp. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hợp tác kinh tế luôn là trụ cột ưu tiên trong quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước. Hợp tác kinh tế-thương mại song phương được thúc đẩy mạnh mẽ (Pháp là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam với 2,8 tỷ USD trong 512 dự án; là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại châu Âu; kim ngạch thương mại song phương năm 2018 đạt 5,1 tỷ USD).

Việt Nam đánh giá cao chính sách của Pháp tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam. Hiện có trên 200 doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Việt Nam; năm 2018 có khoảng 215.000 lượt khách du lịch người Pháp đến thăm Việt Nam.

Việt Nam mong muốn Pháp duy trì tài trợ ODA cho Việt Nam, chú trọng hợp tác phát triển bền vững trong các lĩnh vực môi trường, nông nghiệp, nhất là trồng rừng và phòng chống thiên tai.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cảm ơn Cộng hòa Pháp đã tham gia Chương trình hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của nhau; đồng thời hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Pháp tham gia vào các dự án tại Việt Nam, trên các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thành phố thông minh, y tế…; đề nghị Pháp ủng hộ Việt Nam xuất khẩu các nông sản, thủy sản đặc thù của Việt Nam sang các hệ thống phân phối của Pháp và EU.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá hợp tác giữa các địa phương là nét đặc thù trong quan hệ Việt Nam-Pháp, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước và ngày càng phát huy được tính hiệu quả, giúp kết nối các địa phương của hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực tiềm năng (hiện có 38 địa phương Pháp có quan hệ hợp tác/kết nghĩa với 18 tỉnh/thành Việt Nam, triển khai 235 dự án hợp tác với quy mô vừa).

Về vấn đề IUU đối với ngành khai thác hải sản, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Việt Nam đang rất nỗ lực khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” và thực hiện các khuyến nghị của EU (các biện pháp bao gồm triển khai Luật Thủy sản, các văn bản dưới luật; chương trình hành động quốc gia về IUU, tăng cường hợp tác quốc tế về nghề cá...). Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Pháp ủng hộ để EU sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” đối với hàng hải sản Việt Nam.

Về cộng đồng người Việt và Pháp, Chủ tịch Quốc hội mong bà Stéphanie Đỗ và các vị đại biểu Quốc hội thành viên Nhóm nghị sỹ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Pháp sinh sống, học tập và làm ăn ổn định, hòa nhập sở tại, đóng góp cho sự phát triển của mỗi nước và sự phát triển quan hệ Việt Nam-Pháp.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo