Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, củng cố niềm tin trong nhân dân

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh (người đeo kính, nguyên Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) và cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (người mặc áo khoác đi hàng đầu, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ, C50) trong phiên tòa xét xử vụ đánh bạc ngàn tỷ đồng tại Phú Thọ, tháng 12/2018. Đây là hai trong số các sĩ quan công an, quân đội bị xử lý hình sự trong thời gian gần đây.

(Thanhuytphcm.vn) - Một vụ kỷ luật vừa được thi hành đối với một đảng viên tuy không giữ vị trí lãnh đạo nhưng lại được sự quan tâm của dư luận. Đó là trường hợp của đại úy Lê Thị Hiền bị Đảng ủy Công an quận Đống Đa (Hà Nội) thi hành hình thức kỷ luật là khai trừ ra khỏi Đảng do có hành vi không đúng mực tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hồi tháng 8/2019. Đồng thời, nữ sĩ quan công an này cũng bị đề nghị giáng cấp từ đại úy xuống trung úy. Liền sau đó, chị này cũng được cho xuất ngũ, đúng với nguyện vọng cho ra khỏi ngành trước đó của chị.

Sau đó vài ngày, Thượng úy công an Nguyễn Xô Việt (công tác tại thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), nhân vật chính trong vụ tát nhân viên trạm dừng chân vì tranh cãi liên quan mấy cây xúc xích hôm 10/11/2019, cũng bị giáng từ thượng úy xuống trung úy và bị cho xuất ngũ. Vụ việc này được nhiều người cho là xử lý khá nhanh và kiên quyết.

Các vụ việc xét về hình thức và tính chất riêng lẻ thì không phải quá nghiêm trọng (do không gây hậu quả cụ thể hoặc hậu quả không đáng kể, chỉ thể hiện trong phạm vi cá nhân và sau đó đã được ngăn chặn kịp thời).

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ thái độ, hành vi của một cán bộ, đảng viên đối với người khác (dù là người dân hay bất kỳ người nào khác) và mức độ tác động, ảnh hưởng về mặt xã hội của sai phạm đó thì rõ ràng đây là một hành vi sai trái đáng kể và để lại hậu quả nghiêm trọng. Mọi người có thể nhìn vào cách ứng xử của một chiến sĩ công an, một đảng viên mà liên hệ đến cách mà người đó có thể ứng xử trong các trường hợp khác, nhất là với người dân. Do đó, việc xử lý kỷ luật là cần thiết, vừa thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, vừa tạo sự răn đe cần thiết đối với các cá nhân khác, đồng thời góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Kỷ luật có thể coi là một biểu hiện nổi bật của Đảng ta trong những năm gần đây. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 4 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, 14 vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 1 vị nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 Bí thư Tỉnh ủy, 5 nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 tướng lĩnh, trong đó, một số cán bộ đã bị xử lý hình sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kỷ luật 7 tổ chức Đảng, gồm Ban Cán sự đảng Bộ Công thương, Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải, Ban Thường vụ Đảng ủy Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Một điểm đáng chú ý là ngay trong lực lượng vũ trang, các đơn vị vốn thường có tính kỷ luật cao, cũng đã có nhiều trường hợp bị xử lý. Từ tháng 11/2016 đến nay, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Quân đội đã phát hiện 36 đảng viên và 31 tổ chức đảng có vi phạm; phải thi hành xử lý kỷ luật 17 đảng viên và 4 tổ chức đảng. Thường vụ Quân ủy Trung ương, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 708 đảng viên và 41 tổ chức Đảng. Trong đó, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật theo thẩm quyền 3 tổ chức Đảng và 12 đảng viên; xem xét, thông qua kỷ luật quân đội 58 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Đó là chưa kể các trường hợp sĩ quan quân đội bị xử lý theo thẩm quyền của các cấp cao hơn.

Hay ở ngành công an, đã có nhiều sĩ quan cấp cao, có người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an, đã nhận kỷ luật đảng, đồng thời bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đó là điều trước đây ít có.

Mọi cá nhân gần như đều thống nhất rằng, trong bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, có kỷ luật thì mới tạo nên sức mạnh. Ở một đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam, kỷ luật thậm chí còn là vấn đề sống còn, bởi nếu buông lỏng kỷ luật, cán bộ, đảng viên bị thoái hóa, biến chất, không còn đủ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, để cho các phần tử cơ hội, hư hỏng “trèo cao, chui sâu” thì chẳng những dẫn đến đường lối lãnh đạo sai lầm mà còn có thể đánh mất vai trò lãnh đạo.

Ngay trong một đơn vị nhỏ, ít người, ít có sự tác động đến xã hội, nếu không giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương thì việc thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị đó có thể không được bảo đảm. Nếu nhiều đơn vị như thế hợp thành một tổ chức lớn hơn thì tổ chức đó cũng không làm tròn nhiệm vụ, nhưng mức độ ảnh hưởng đã bắt đầu lan rộng. Nếu có nhiều tổ chức như thế hợp thành các tổ chức lớn hơn nữa thì chắc chắn hình ảnh, uy tín, sức mạnh của Đảng bị đe dọa nghiêm trọng.

Việc nâng cao kỷ luật rõ ràng là sẽ góp phần xây dựng nên hình ảnh đẹp đẽ, uy tín, để tạo được niềm tin trong nhân dân, có thể động viên, thuyết phục được nhân dân cùng tham gia vào các hoạt động chung, nhằm thực hiện thành công các chủ trương, chính sách, góp phần bảo đảm thắng lợi các mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể.

Ngoài ra, mỗi một vụ xử lý kỷ luật còn là thêm một lần cảnh báo, cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên phải giữ nghiêm kỷ luật Đảng, nội quy, quy định của cơ quan, tự rèn luyện và điều chỉnh để tránh mắc phải khuyết điểm, sai lầm, đồng thời không ngừng hoàn thiện bản thân.

Do đó, kỷ luật là sức mạnh không chỉ cho tổ chức mà còn cho chính mỗi cá nhân trong tổ chức đó. Nếu kỷ luật được thực hiện kịp thời, chính xác và nghiêm minh thì sức mạnh càng được nhân lên.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo