Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chủ trì họp Ban chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 7/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT cho biết, trong tuần qua, Bộ GD-ĐT đã kịp thời ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 đối với cấp tiểu học, THCS và THPT; xây dựng và công bố đề thi tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2020. Trước đó, hướng dẫn về dạy học qua internet, trên truyền hình đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020 cũng đã được Bộ GD-ĐT ban hành.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sau khi ban hành văn bản, việc quan trọng là cần tập trung nắm bắt các vướng mắc, khó khăn của cơ sở trong triển khai, để hướng dẫn, gỡ khó cho cơ sở trong thẩm quyền; hướng dẫn địa phương chỉ đạo thầy trò dạy học, ôn tập tốt theo đề thi tham khảo. Bộ GD-ĐT đã chủ động lên kế hoạch để xây dựng kho bài giảng, học liệu từ lớp 1 đến lớp 12 đủ các môn theo nội dung tinh giản; kêu gọi sự đóng góp của các địa phương và Bộ sẽ thẩm định, sàng lọc; sử dụng phát trên các kênh truyền hình quốc gia để giáo viên tham khảo, học sinh học tập.

Cùng với đó, xây dựng mô hình lớp học online chuẩn làm điểm, để có thể nhân rộng trong cả nước. Việc dạy học trực tuyến cần được đặc biệt đẩy mạnh ở khối giáo dục đại học, như một giải pháp dài hạn để tạo đột phá trong giáo dục đại học tới đây.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục, đặc biệt đời sống đội ngũ nhà giáo trường ngoài công lập. Theo ước tính của ngành giáo dục, riêng chi phí lương cho 103.863 cán bộ quản lý, giáo viên ngoài công lập theo mức lương bình quân tối thiểu vùng là 400 tỷ/tháng; chi phí thuê mặt bằng của 3.702 cơ sở giáo dục ngoài công lập từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT đến cao đẳng sư phạm, đại học cũng từ 450-500 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, còn các chi phí cho công tác tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trong nhiều tháng qua và các chi phí khác chưa thống kê hết được.

Trên cơ sở thống kê, rà soát những khó khăn, thiệt hại và kiến nghị, đề xuất của các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục quốc dân. Cụ thể như miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán, nộp các khoản thuế năm 2019 và miễn các khoản thuế phát sinh trong quý 1 và 2 năm 2020 đối với các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập. Xem xét trợ cấp, miễn bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý 1 và 2 năm 2020. Đề xuất gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và lương để người lao động yên tâm công tác, tiếp tục có động lực, niềm tin đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà…

Tới đây, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra với một số nội dung dự kiến hỗ trợ đáng chú ý như hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp; hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng, từ tháng 4 – tháng 6 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động… Khi có Nghị quyết này, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành có liên quan để áp dụng kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học dài ngày, ngành giáo dục cũng nhận được sự đồng hành, hỗ trợ rất quan trọng của ngành Thông tin và Truyền thông. Theo đó, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông hỗ trợ phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD-ĐT thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD-ĐT. Hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học… Gói hỗ trợ này lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi tháng và giúp ngành giáo dục triển khai tốt việc dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình trong thời gian chống dịch Covid-19, thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo