Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa

(Thanhuytphcm) - Chiều 19/11, Quốc hội sau khi nghe Chính phủ trình đã thảo luận ở tổ về 2 dự án luật: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, theo Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao, việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay. Qua tổng kết việc thí điểm đổi mới công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt 78,08% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Do đó, về cơ bản, Ủy ban Tư pháp (là cơ quan thẩm tra) cũng như ý kiến các ĐBQH đều đồng tình cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thảo luận về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn việc hòa giải sẽ giúp giảm bớt kinh phí, nhân lực xét xử hay tăng lên?. Luật quy định tòan bộ kinh phí nhà nước chịu; Tòa án có nghĩa vụ cung cấp các điều kiện để thực hiện, như cơ sở vật chất, cử một thẩm phán phụ trách hòa giải; thẩm phán hòa giải không được xét xử... như vậy công việc của tòa án sẽ tăng lên. Với số lượng thẩm phán không tăng lên thì điều này có hạn chế số lượng thẩm phán xét xử hay không là điều cần làm rõ. ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, tiêu chuẩn hòa giải viên là những thẩm phán, kiểm sát viên đã nghỉ hưu, lại phải đáp ứng có chứng chỉ; luật sư thì cần 10 năm kinh nghiệm sẽ khó khả thi. “Mặt khác, hòa giải là dân sự, đối thoại là hành chính. Khi đương sự đi hòa giải họ có quyền có luật sư, nhưng dự thảo luật chỉ nêu đương sự có quyền uỷ quyền cho người đại diện, không có luật sư tham dự. Nên mở rộng ra sẽ tốt hơn”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phát biểu. Còn theo ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TPHCM), hòa giải là hai bên cùng thắng, giảm tải cho tòa án, giảm tải cho xã hội, vì vậy nếu đã qua hòa giải theo luật này thì quá trình tố tụng không cần bước hòa giải nữa, như vậy mới là tiến bộ.

Về kinh phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các ĐB tán thành việc trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Về tiêu chuẩn bổ nhiệm hòa giải viên, dự thảo Luật quy định: ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (Thẩm phán, Kiểm sát viên…), thì những người là luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét bổ nhiệm làm hòa giải viên. Đa số ý kiến tán thành với quy định này. Về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, các ĐB đề nghị cần theo hướng nhanh gọn, tạo thuận lợi cho các bên tham gia hòa giải, đối thoại.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, theo ý kiến cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông – vận tải, tài nguyên và môi trường... Trong đó, có trách nhiệm cả hai phía: cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng, phạm vi sửa đổi Luật Giám định tư pháp không nên mở rộng sang nội dung về thẩm quyền, nhiệm vụ và thủ tục tố tụng, mà cần giới hạn trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp hiện hành để đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về kinh tế, tham nhũng.

Đại biểu Dương Ngọc Hải Đại biểu Dương Ngọc Hải

Thảo luận về dự án luật này, ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cho rằng, hiện nay có nhiều vướng mắc trong việc giám định, khiến có những vụ án phải tạm đình chỉ. Chưa có quy định về thời gian giám định nên các tổ chức giám định thường kéo dài thời gian, trong khi thời hạn tố tụng có giới hạn. Nhiều lĩnh vực, các bộ ngành chưa quy định quy chuẩn nên nhiều vụ lúng túng. Hoặc vấn đề giám định về chứng cứ, dữ liệu điện tử, việc này liên quan đến 3 Bộ: Công an, Thông tin-Truyền thông, Khoa học Công nghệ, trong khi ba bộ này chưa thống nhất với nhau. Thực tế, ở TPHCM vướng nhiều vụ do không giám định được. “Có nhiều kết luận giám định là khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, đưa cơ quan tố tụng vào tình huống hết sức khó xử. Đơn cử giám định về thuế, ở cấp sở ngành thấy có hành vi trốn thuế, từ đó khởi tố vụ án. Nhưng khi Tổng cục Thuế giám định lại xác định không có hành vi trốn thuế. Như vậy lại là khởi tố sai. Đây là vướng mắc rất lớn, có nhiều vụ án đang khiếu nại, đương sự kêu oan, nhất là những vụ chứng cứ chủ yếu dựa vào kết luận giám định, trong khi kết luận giám định lại mâu thuẫn nhau. Cơ quan tố tụng sử dụng kết luận giám định nào thì cũng không có quy định”, ĐB Dương Ngọc Hải chỉ ra thực tế.

Theo ĐB Dương Ngọc Hải, công tác giám định hiện nay vướng rất nhiều, nên nếu sửa luật phải sửa nhiều vấn đề, nhưng dự thảo luật mới chỉ đặt vấn đề sửa những gì cơ bản nhất để phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. “Một số trường hợp cần giám định nhanh như giám định ADN, tế bào nam, tinh trùng, màng trinh… Thời gian qua, khi nạn nhân xác định bị xâm hại tình dục, đưa đến cơ quan có thẩm quyền giám định thì đã bị trễ, không thu nhập được chứng cứ. Đề nghị bổ sung quy định nạn nhân, hội phụ nữ… được quyền trưng cầu giám định và kết luận giám định này có giá trị sử dụng làm chứng cứ”, ĐB Dương Ngọc Hải nêu ý kiến.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo