Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử nhằm góp phần thể chế hóa và đưa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định kết quả tổng kết thực tiễn 17 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử cho thấy, bên cạnh những đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 vẫn đang tồn tại một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung. Trong đó có việc Luật Giao dịch điện tử năm 2005 loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với một số hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực tư pháp, đất đai, xây dựng, tài chính. Việc loại trừ này có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ trong triển khai các dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai các giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đang bị loại trừ. Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thiếu quy định cụ thể về giá trị pháp lý và đảm bảo độ tin cậy cho một số yếu tố quan trọng trong giao dịch điện tử như: thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy...

Ngoài ra, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa có quy định làm rõ giá trị pháp lý của việc chuyển đổi từ bản giấy sang bản điện tử và ngược lại. Các quy định về hợp đồng điện tử trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 còn thiếu quy định mang tính chất đặc thù trong hợp đồng điện tử như quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giá trị pháp lý của hợp đồng giao kết qua hệ thống thông tin tự động. Cùng với đó, hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là phương tiện và môi trường để thực hiện các giao dịch điện tử nhưng chưa được quy định trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Thực tế đã có một số văn bản dưới luật quy định liên quan đến nội dung này nhưng chưa được luật hóa như nền tảng mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử…

Bộ trưởng cho rằng, việc quản lý, phát triển hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, nền tảng số là không thể thiếu, vì đây là thành phần quan trọng trong phát triển kinh tế số; là trung gian giao dịch giữa người dùng cuối và người dùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp để kiểm soát các nền tảng số có người dùng lớn và rất lớn nhằm hạn chế sự bất bình đẳng, sự phát triển lành mạnh, hiệu quả của thị trường và bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Do đó, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Liên quan đến những nội dung cụ thể, một điểm mới quan trọng của dự thảo sửa đổi là mở rộng phạm vi điều chỉnh, áp dụng cả đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử; hối phiếu và các giấy tờ có giá khác. Tức là phạm vi áp dụng giao dịch điện tử đã “phủ kín” tất cả hoạt động của đời sống xã hội.

Qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Ủy ban cũng đề nghị, các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng cần quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các giao dịch điện tử.

Toàn cảnh Phiên họp Toàn cảnh Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, cần nghiên cứu thể chế hóa cụ thể hơn chủ trương “ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng” như yêu cầu của Bộ Chính trị.

Thảo luận về nội dung này, đa số ủy viên UBTVQH nhất trí phải sửa đổi Luật Giao dịch điện tử. Trong những năm gần đây, chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số… là một trong những nội dung mới và trung tâm trong các chiến lược phát triển cũng như trong các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy, việc sửa đổi Luật giao dịch điện tử là rất cần thiết để góp phần thể chế hoá và đưa các chủ trương của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống.

Các ý kiến cơ bản tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo đó, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử tới tất cả hoạt động của đời sống xã hội. Cùng với đó, bổ sung quy định: “Luật này không quy định về nội dung của giao dịch. Luật khác quy định giao dịch không thực hiện bằng phương tiện điện tử thì tuân thủ theo quy định của luật đó” nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng cho phép các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử, nhưng không hàm ý bắt buộc.

Tuy nhiên, do việc mở rộng phạm vi điều chỉnh với nhiều nội dung liên quan đến đời sống xã hội, để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, Chính phủ cần đánh giá tác động kỹ hơn, nhất là những vấn đề khó khăn, còn vướng mắc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng mở rộng mở rộng phạm vi áp dụng giao dịch điện tử là xu hướng đúng, song cần tiếp tục cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo về mức độ và lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi, an ninh, an toàn cho người dân.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo