Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Sẽ có cú hích để thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm

Đồng chí Trần Tú Khánh

(Thanhuytphcm.vn) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ “quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên (HSSV) sư phạm”. Theo dự thảo, HSSV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi HSSV sư phạm theo học nhưng tối đa không vượt mức trần học phí theo quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, HSSV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Vấn đề này dư luận đang rất quan tâm. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT Trần Tú Khánh trao đổi thêm về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa đồng chí, trước đây chúng ta đã thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm, nay Bộ GD-ĐT dự kiến không chỉ không thu học phí mà còn hỗ trợ chi phí sinh hoạt hàng tháng cho sinh viên sư phạm. Đâu là lý do để đưa ra chính sách này?

- Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT Trần Tú Khánh: Theo dự thảo, HSSV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi HSSV sư phạm theo học. Bên cạnh đó, HSSV sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Mức hỗ trợ chi phí sinh hoạt được áp dụng thống nhất trong năm học và hàng năm được điều chỉnh theo tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng thực tế năm trước liền kề. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Như vậy, so với quy định hiện hành, HSSV sư phạm vẫn được hỗ trợ toàn bộ học phí, chỉ thay thế phương thức cấp bù học phí sư phạm cho các cơ sở đào tạo thành kinh phí hỗ trợ học phí trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng, đồng thời theo quy định sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí để bảo đảm cho mức sống tối thiểu và sinh viên sư phạm yên tâm chuyên tu vào việc học.

Không phải bây giờ chúng ta mới có chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Trước đây, chính sách không thu học phí này đã được quy định tại Điều 77, Luật Giáo dục 1998, Điều 89 của Luật Giáo dục 2005 và được thực hiện hơn 20 năm qua. Việc không thu học phí sinh viên sư phạm đã góp phần tích cực trong việc thu hút các thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, thực trạng trong thời gian qua nhiều sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế, trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm. Do đó, Luật Giáo dục 2019 Luật có hiệu lực từ tháng 7/2020 đã thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho HSSV sư phạm để đóng học phí cho nhà trường, đồng thời quy định thêm chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, tránh trường hợp sinh viên sư phạm ra trường không làm đúng ngành được đào tạo.

Luật cũng quy định sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không công tác trong ngành giáo dục phải bồi hoàn kinh phí. Theo đó, người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.

Quan điểm của chúng ta là quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm để các em thí sinh giỏi yên tâm vào học ngành sư phạm. Đồng thời chúng ta cũng xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp nhằm tránh tình trạng sinh viên sư phạm làm trái ngành và thừa thiếu giáo viên cục bộ đang diễn ra tại các địa phương trong thời gian qua.

* Tại sao mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng/tháng?

- Chúng tôi xây dựng mức hỗ trợ sinh hoạt phí là 3,63 triệu đồng để các em chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường là tương đương với mức hỗ trợ sinh hoạt phí của lưu học sinh Lào, Campuchia đang theo học tại Việt Nam (diện hiệp định ký kết giữa 2 Chính phủ). Qua khảo sát thực tế, mức sinh hoạt phí này đã phù hợp với thời điểm hiện tại và hàng năm được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng để phù hợp với mức lạm phát giá cả hàng hóa.

Tới đây, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tối đa chi phí học tập Tới đây, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tối đa chi phí học tập

* Thực ra, từ lâu chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên sư phạm đã không còn là yếu tố mấu chốt để hấp dẫn các thí sinh vào ngành. Thí sinh, nhất là thí sinh giỏi không mặn mà vào ngành sư phạm chủ yếu là do các em ra trường khó xin việc làm, lương thấp? Chỉ cần có cơ chế để sinh viên sư phạm ra trường có việc làm đúng ngành, sư phạm sẽ đủ sức hút. Bộ GD-ĐT có tính tới vấn đề này không?

- Để đảm bảo việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng, bên cạnh chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt cho HSSV sư phạm, dự thảo Nghị định của Chính phủ “quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với HSSV sư phạm cũng quy định về đặt hàng giao nhiệm vụ. Việc này là theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Mục đích nhằm gắn trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý từ đặt hàng đào tạo đến khâu tuyển dụng, bố trí việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp. Quy định này giúp hạn chế việc đào tạo tràn lan, đào tạo vượt nhu cầu sử dụng, khắc phục được tình trạng giáo viên thiếu, thừa cục bộ tại các địa phương. Đồng thời việc gắn trách nhiệm của địa phương sẽ giúp cho phương án thu hồi, hoàn trả kinh phí bồi hoàn thuận lợi và khả thi.

* Đồng chí có cho rằng, Nghị định này ra đời sẽ tạo cú hích đối với đào tạo sư phạm trong thời gian tới?

- Tôi tin Nghị định này sẽ khắc phục cơ bản tình trạng thừa thiếu giáo viên, tăng hiệu quả sử dụng ngân sách, gắn nhu cầu đào tạo với nhu cầu sử dụng, đảm bảo được nguồn kinh phí thực hiện chính sách đồng thời sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả.

Nghị định đang trong quá trình lấy ý kiến góp ý, chúng tôi sẽ ghi nhận các ý kiến để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo