Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Lễ ký Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 15/6, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã ký Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.

Chứng kiến lễ ký Nghị quyết, có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh.

Nghị quyết gồm 4 Chương, 25 Điều, cụ thể hóa các Điều 27 và 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý quan trọng, góp phần tiếp tục cụ thể về cơ chế đối với hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Nghị quyết quy định các hình thức giám sát, trong đó quy định nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức đoàn giám sát; giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Nghị quyết cũng quy định về hình thức phản biện xã hội.

Theo điều khoản thi hành quy định tại Chương 4 của Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện Nghị quyết này; phối hợp trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; xem xét, trả lời kiến nghị từ kết quả giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của pháp luật.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng dẫn MTTQ các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.

Phát biểu tại lễ ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng việc quy định chi tiết về các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam sẽ góp phần tháo gỡ về cơ chế, nâng cao về chất công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới. Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện phần trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được quy định trong Nghị quyết để Luật MTTQ Việt Nam cũng như Nghị quyết liên tịch sớm đi vào thực tiễn cuộc sống; thường xuyên quan tâm phối hợp trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, để hoạt động này thực sự trở thành một kênh quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, sáng tạo của nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo