Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

(Thanhuytphcm.vn) - Trưa 30/3, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức họp mặt nhân tưởng niệm 43 năm Ngày mất của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30/3/1980 - 30/3/2023).

Đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng có các đồng chí: Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các sở, ban ngành TPHCM.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Phạm Thành Nam đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng; đồng thời nhấn mạnh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã dành trọn cuộc đời mình đấu tranh cho độc lập dân tộc, tự do hạnh phúc của nhân dân. Tưởng niệm ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng nhằm thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính tưởng nhớ công lao của Bác Tôn đối với quê hương đất nước và cũng là dịp để các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục phấn đấu, ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ tưởng niệm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM Trần Thế Thuận đề nghị trong tương lai, với việc đầu tư cho cơ sở hoạt động sự nghiệp, đội ngũ viên chức, người lao động thuộc Bảo tàng Tôn Đức Thắng cần tăng cường chất lượng hoạt động, đưa Bảo tàng trở thành một thiết chế văn hóa động, không ngừng cải tiến về chất lượng trưng bày và các hoạt động chuyên môn khác, đáp ứng yêu cầu thu hút công chúng, khách tham quan đến với Bảo tàng và kết nối bền vững với cộng đồng.

Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Phạm Thành Nam trao thư cám ơn tác giả Nguyễn Văn Lãm Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Phạm Thành Nam trao thư cám ơn tác giả Nguyễn Văn Lãm

“Để đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, Bảo tàng cần tập trung hiện đại hóa hoạt động công tác chuyên môn, từ trưng bày, thuyết minh, kiểm kê, bảo quản hiện vật, giáo dục và truyền thông; đa dạng hóa các hoạt động để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng. Đồng thời, tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, thực hiện tốt chức năng nghiên cứu và giáo dục. Bảo tàng cũng cần kết hợp chặt chẽ với cơ quan, doanh nghiệp ngành du lịch để phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đến với công chúng và mọi tầng lớp nhân dân” – đồng chí Trần Thế Thuận nhấn mạnh.

Cũng trong dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tiếp nhận 20 bài ca cổ do tác giả Nguyễn Văn Lãm sáng tác, ca ngợi về Bác Tôn và quê hương An Giang. Tác giả Nguyễn Văn Lãm (Viết Lãm), hiện công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Thoại Sơn, An Giang.

Dịp này, Bảo tàng Tôn Đức Thắng cũng tổ chức trao giải 5 cá nhân đạt giải cao trong tổng số gần 20.000 người tham gia thi trực tuyến tìm hiểu về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng”.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo