Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chuyến đi thực tế của Hội Nhà văn TPHCM về Tây Ninh

Phải viết, để trả những món nợ ân tình của cuộc đời

Các nhà văn TPHCM tham quan nhà trưng bày tại khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Ảnh: Nguyễn Thiên Di)

(Thanhuytphcm.vn) - Từ ngày 14 đến ngày 17/4, đoàn nhà văn TPHCM đã có chuyến đi thực tế tại Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Đây là chuyến sáng tác đầu tiên do Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM khóa VIII (2020-2025) tổ chức. Trưởng đoàn là nhà thơ Bùi Phan Thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM… 

Tham gia đoàn là nhiều nhà văn tên tuổi, trong đó có nhiều người đã từng kinh qua kháng chiến chống Mỹ như nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, các nhà văn Kim Quyên, Kao Sơn, Hải Hà... hoặc tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam như nhà văn Bùi Quang Lâm, cùng các nhà văn dày dạn kinh nghiệm như Thiên Hà, Vũ Xuân Hương, Nguyễn Thu Phương, Hoài Hương, Mai Bửu Minh…

Những câu chuyện làm sống lại ký ức

Đoàn đã đi thăm di tích trong vùng căn cứ Trung ương Cục miền Nam (còn được gọi theo mật danh ngày trước là R), nay được xếp hạng Di tích quốc gia hạng đặc biệt; nhà trưng bày Khu di tích với hơn 1.000 hiện vật, lưu dấu những năm tháng hào hùng của hai cuộc kháng chiến; di tích căn cứ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, nơi có từng có nhà in Trần Phú, Bia Đài phát thanh giải phóng, Thông tấn xã, nhà bia Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam… và ngược dòng Vàm Cỏ Đông, thăm quần thể gừa cổ thụ và cột mốc biên giới 132; tham quan trảng Tà Nốt, hệ sinh thái rừng đặc cảnh…

Cuộc gặp gỡ, trò chuyện với ông Bùi Công Hoàng, cựu chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ các lãnh đạo Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam từ năm 1966 là một điểm nhấn của chuyến đi. Bên ánh lửa giữa rừng, người nông dân chơn chất, hiền lành, kể câu chuyện của thời tuổi trẻ đầy cảm xúc bi hùng khiến nhiều nhà văn bàng hoàng xúc động, cảm phục và trân quý ông - chiến sĩ trẻ ngày xưa đã vượt qua nỗi sợ hãi và cái chết, quyết giữ cho được thi thể hai đồng đội để đưa về chôn cất...

Các nhà văn tham quan giếng nước tại khu di tích căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Thiên Di) Các nhà văn tham quan giếng nước tại khu di tích căn cứ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Thiên Di)

Về bên con suối Chò huyền thoại và giếng nước lịch sử, xung quanh là các căn lán đơn sơ của các vị lãnh đạo Mặt trận trước đây, giường tre, sát bên miệng hầm... Nhìn lại hoàn cảnh sống và chiến đấu của 60 năm trước, càng thấy tầm vóc lớn lao của sự dấn thân, vì dân vì nước của những người tham gia kháng chiến. Và những câu chuyện ngày xưa cứ nhẹ nhàng tiếp nối làm sống lại ký ức trong các nhà văn từng trải qua cuộc chiến, làm nary sinh những cảm xúc mới mẽ, tự hào, khâm phục và lại thấy mình quá nhỏ bé trong nỗi niềm hàm ơn với bao nhiêu anh hùng đã khuất...

Nhà thơ Bùi Phan Thảo xúc động nói: “Một chuyến đi thực tế sáng tác đem lại nhiều trải nghiệm. Trong tôi và các thành viên trong đoàn vẫn còn những cảm xúc, vừa dâng tràn, vừa lắng lại. Đây là vùng đất thiêng, trong từng cây cao bóng cả hay ngọn cỏ lối mòn đều ghi dấu anh linh. Những người xưa như vẫn còn đây, mãi còn đây như lịch sử trường tồn”.

Cần những trang viết, những tác phẩm với lòng biết ơn

Trong hành trình lần này, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh tổ chức tọa đàm “Nhà văn viết về chiến tranh cách mạng” với sự tham dự của nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu của tỉnh Tây Ninh, các thành viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM và các nhà văn trong đoàn đi thực tế sáng tác.

Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, phát biểu tại tọa đàm. (ảnh: Nguyễn Hoàng) Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, phát biểu tại tọa đàm. (ảnh: Nguyễn Hoàng)

Cuộc tọa đàm đã trao đổi những điều tâm đắc, những câu chuyện về đất và người, về chiến tranh cách mạng… Nhà văn Bích Ngân, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, chia sẻ: trên vùng căn cứ cách mạng này đã in dấu chân những văn nghệ sĩ, nhà văn – chiến sĩ. Nhiều tên tuổi lớn đã hy sinh, như soạn giả Trần Hữu Trang, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân,... Trong cuộc sống nhiều biến động hôm nay thì điều không đổi thay vẫn là sự biết ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hơn bao giờ hết, cần những trang viết, những tác phẩm của văn nghệ sĩ với lòng biết ơn chân thành…

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh Đặng Thị Phượng cũng chia sẻ về các văn nghệ sĩ tiêu biểu đã từng sống tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam với những tác phẩm điển hình, các thành tựu của văn học nghệ thuật Tây Ninh với những tên tuổi quen thuộc với công chúng. Đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn đậm nét trong nhiều tác phẩm, là dòng chảy xuyên suốt, sẽ tiếp tục được phản ánh với những rung động cùng nhịp thở của xã hội, của Nhân dân và khát vọng, tài năng sáng tạo của từng văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, ái nữ nhà thơ Nguyễn Bính, người dành hết tuổi thanh xuân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Tây Nam bộ, đã trình bày tham luận và đọc trích đoạn trường ca “Thức với miền xưa” sâu nặng nghĩa tình: “Bạn tôi ngã xuống/ mang theo giấc mộng tình con gái/ đóng khung hoài/ tuổi mười bảy xanh xao”/“Cả tiểu đội không còn một đứa/…tôi chợt mừng thầm/ thấy mình còn sống sót/… sự may rủi/ đã cho tôi phép lạ/ sao là điều day dứt mãi trong tôi”.

Suốt hàng chục năm qua, nhà thơ vẫn mang mãi cảm giác day dứt đó. Chị tâm sự rằng, cứ cảm giác như mình có lỗi. Bởi bạn bè từ thuở tóc xanh, sẻ chia cho nhau được cả cuộc đời mà sao đồng đội hy sinh, còn mình được sống. Cảm xúc đó của nhà thơ Hồng Cầu được nhiều người đồng cảm. Nhà văn Kim Quyên cho rằng: phải viết, để trả những món nợ ân tình của cuộc đời. Bà hy vọng văn chương Việt sẽ có những tác phẩm ngang tầm quốc tế khi có chất liệu thực tế dồi dào, có vốn sống và tài năng của nhà văn.

Các văn nghệ sĩ TPHCM và tỉnh Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm sau tọa đàm. (ảnh: Nguyễn Hoàng) Các văn nghệ sĩ TPHCM và tỉnh Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm sau tọa đàm. (ảnh: Nguyễn Hoàng)

Nhà văn Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nổi danh với nhiều tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng cũng nhận định: đây là mạch nguồn cảm xúc vô tận. Chị luôn ám ảnh bởi những câu chuyện về sự hy sinh cao cả mà lặng thầm, những con người bình dị giữa đời thường mà rất đỗi phi thường. “Không viết được thì thật là có lỗi”.

“Những trải nghiệm từ chuyến đi thực tế ở Tây Ninh đã tạo ra một chất men xúc tác giúp những người sinh ra khi đất nước không còn tiếng súng như chúng tôi có nhiều cảm xúc. Những người viết trẻ sẽ viết về đề tài này một góc nhìn và cảm xúc tươi mới hơn”, nhà văn – biên kịch Nguyễn Thu Phương, nói.

Tham gia tọa đàm, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TPHCM, Ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nói bên cạnh chính sử còn có huyền sử và văn chương tái tạo một phần chính sử qua lăng kính văn học. Ngoài viết về những gương anh hùng liệt sĩ các giới như lâu nay, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn gợi ý nên viết về cuộc đời những nhà văn đã kinh qua chiến tranh cách mạng.

Nhà văn trẻ Tiểu Quyên cho biết bản thân đã hiểu và cảm nhận rõ hơn về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, qua chuyến đi thực tế sáng tác này. Trong không gian của căn cứ Trung ương Cục miền Nam, trong âm vang hào hùng của lịch sử, những nhà văn trẻ tham gia chuyến đi như cô có sự thấu cảm và sẽ chuyển tải qua từng trang viết sắp tới. Thế hệ nhà văn trẻ sẽ viết với tâm thế, góc nhìn mới cùng những xúc cảm đẹp.

Nguyễn Thiên Di


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo