Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phải lựa chọn khi đón dòng đầu tư nước ngoài

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 3/7, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch để thảo luận chuyên đề "MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước". Nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các ủy viên Đoàn Chủ tịch đã kiến nghị Chính phủ nhiều vấn đề phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Xử nghiêm việc trục lợi chính sách hỗ trợ Covid-19

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, khi Chính phủ triển khai sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, mặt trận các cấp đã tiến hành giám sát việc thực hiện để rà soát, đối chiếu đến từng đối tượng được hỗ trợ, góp phần ngăn ngừa, phát hiện các sai phạm, việc trục lợi chính sách. Qua giám sát, MTTQ Việt Nam đã kịp thời nắm bắt được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và những sai phạm trong quá trình thực hiện. Đa phần các địa phương khẩn trương, kịp thời rà soát và chi trả hỗ trợ sớm cho các nhóm đối tượng: người có công với cách mạng; hộ nghèo và cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh, khó khăn là việc xác định các đối tượng lao động tự do, hộ kinh doanh và hỗ trợ người sử dụng lao động; việc xác định ngành nghề khó khăn chủ yếu dựa vào thông tin do người lao động và người sử dụng lao động cung cấp. Trong hướng dẫn của Trung ương chưa rõ về độ tuổi của người lao động được hỗ trợ; hoặc một số trường hợp không thuộc diện được hưởng hỗ trợ nhưng thực tế lại có khó khăn.

Đặc biệt, gói cứu trợ 16.000 tỷ cho doanh nghiệp (DN) vay lãi suất 0% trả lương người lao động hầu như dậm chân tại chỗ. Về sai phạm, đã phát hiện có những đối tượng không đủ điều kiện vẫn đưa vào trong danh sách (chết trước ngày 1/4/2020, đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam…). Bên cạnh đó là tình trạng cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác; hưởng hỗ trợ theo diện đối tượng khác đã chuyển đi, đi xuất khẩu lao động, cắt khẩu, đi lấy chồng; trùng danh sách đối tượng…

6 tháng cuối năm 2020, dịch bệnh Covid-19 được dự báo còn diễn biến phức tạp, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên sẽ tăng cường các giải pháp để vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ ban hành Nghị quyết vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Các ý kiến cũng đề nghị mặt trận đẩy mạnh giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ sau dịch bệnh Covid-19, kiến nghị Chính phủ xử nghiêm các sai phạm trục lợi chính sách trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang gồng mình lên để khắc phục hậu quả sau dịch và vực dậy nền kinh tế. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lưu ý, vừa qua vẫn còn tình trạng tiền hỗ trợ không đúng địa chỉ, từ nhà nghèo đi vào nhà giàu, gói cứu trợ đi vào nhà những người không đáng được hưởng. Chính vì vậy, cùng với việc vận động toàn dân tích cực khắc phục tác động của đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, MTTQ các cấp phải tham gia giám sát việc giải ngân các gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng.

Cần giảm lãi suất cho doanh nghiệp

Thảo luận về Nghị quyết "MTTQ Việt Nam vận động toàn dân tích cực tham gia phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước" mà tới đây mặt trận sẽ triển khai, nhiều ý kiến hiến kế về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khôi phục sản xuất kinh doanh.

Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cho rằng, hiện nay có 28 Quỹ bảo lãnh tín dụng nằm rải rác trên toàn quốc với tổng nguồn vốn là 1.450 tỷ đồng. Đây là số tiền quá nhỏ so với nhu cầu của cộng đồng DN, nhất là trong thời kỳ khó khăn do Covid-19. Do đó, mặt trận cần kiến nghị Chính phủ nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ này, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay đối với DN. Bên cạnh đó, cần đẩy rất nhanh vốn đầu tư công để tạo công ăn việc làm cho DN và người lao động, Chính phủ cần giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các DN trong nước có thể tham gia vào nhiều gói thầu khác nhau. Mặt trận cũng cần kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc giãn thuế VAT cho DN nhỏ và vừa đến hết năm 2020 và miễn trừ toàn bộ thuế môn bài cho các hộ kinh doanh đến hết năm 2020.

Một vấn đề khác là lao động việc làm, duy trì sinh kế của người dân. Đây mới là thời điểm các DN thấm đòn, đến tháng 8, tháng 9 hết đơn hàng, chắc chắn các DN sẽ sa thải lao động hàng loạt, cần thêm giải pháp nào để hỗ trợ người lao động, mặt trận phải kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này.

Theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, vấn đề mua bán, sáp nhập DN đang diễn ra rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp phòng vệ đủ mạnh sẽ gây nguy cơ cho an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng. Mặt trận cần đề cao vai trò giám sát của mình trong vấn đề này. Song song đó, mặt trận cần tổ chức giám sát việc thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ đến DN. Chính sách hỗ trợ sẽ không thành công nếu chỉ tập trung vào hỗ trợ đại trà, trong khi những ngành có tiềm năng như hàng không, du lịch… đang phải chờ đợi lâu để nhận được hỗ trợ. Gói hỗ trợ cần được triển khai kịp thời đến các DN, tạo cú hích mạnh để kích hoạt những ngành này hoạt động trở lại, từ đó kinh tế sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn.

Cùng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, với gói cứu trợ sau dịch, Chính phủ nên cứu trợ DN, DN mạnh sẽ cứu DN yếu. “Không nên cứu đại trà. Cần phân loại DN để cứu trợ, không nền vì mục đích nhân đạo chung chung mà nên vì nền kinh tế”, TS Trần Đình Thiên nói.

Đáng chú ý, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt  cho rằng, sau dịch, cần chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân, người lao động, đó mới chính là ưu việt của chế độ ta. Đón dòng đầu tư nước ngoài thì phải lựa chọn, không để nước ta trở thành bãi rác công nghệ.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty gốm sứ Minh Long l  Lý Ngọc Minh cho rằng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ DN thực sự hiệu quả, như phát hành trái phiếu lãi suất thấp cho ngân hàng để ngân hàng có vốn cho DN vay lãi suất thấp. Bởi điều mà DN cần hiện nay chính là nguồn vốn, nhưng nếu vay lãi suất cao thì họ không thể chịu nổi, nên Nhà nước cần hỗ trợ DN tiếp cận vốn. Mặt khác, cần giảm thuế để ổn định những mặt hàng thiết yếu giúp người dân, DN sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo