Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phải có cơ chế tương xứng và đột phá với TPHCM

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi giám sát.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 17/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đã có buổi giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 4 tháng đầu năm 2022, phương hướng, giải pháp các tháng cuối năm 2022. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM, đại biểu Quốc hội khóa XV; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.

Cơ chế ủy quyền từ TP cho cấp huyện được triển khai hiệu quả

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan đã báo cáo về thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM; tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 4 tháng đầu năm 2022; các đề xuất, kiến nghị của TP.

Riêng về thực hiện Nghị quyết số 54, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TP đã triển khai chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Dù mức tăng thêm chưa đạt được hệ số tối đa 1,8 như Nghị quyết số 54 nhưng đã thúc đẩy cán bộ, công chức và người lao động làm việc tích cực hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về quản lý đầu tư, TP đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức vốn đầu tư 12.954,331 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng mức đầu tư 4.849,320 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung đặc thù trong quản lý đất đai trao quyền cho TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, từ năm 2018 đến nay, TP đã thông qua 32 dự án với tổng diện tích 1.843,79 ha.

Riêng đối với cơ chế uỷ quyền từ TP cho cấp huyện đã được TP đã triển khai có hiệu quả, tích cực. Hiện nay, UBND TP đã ủy quyền cho các sở - ngành, UBND cấp huyện thực hiện 59 nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP trên nhiều lĩnh vực. Chủ tịch UBND TP cũng đã ủy quyền cho thủ trưởng các sở - ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện 26 nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND TP trên các lĩnh vực. Việc thực hiện ủy quyền đã giúp rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về các lĩnh vực được ủy quyền ở một số cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát.

Từ những kết quả, tồn tại hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 54, đồng chí Võ Văn Hoan chia sẻ: “Tinh thần là TP kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 theo hướng kế thừa và tích hợp tất cả cơ chế, chính sách mà TP cần Trung ương hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM; cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Thủ Đức; về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM (như quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và cán bộ công chức); một số nội dung đặc thù trong lĩnh vực tài chính - ngân sách”.

Tại buổi giám sát, UBND TP kiến nghị Đoàn ĐBQH TP báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham mưu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Trong thời gian chờ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng tài sản công, cho phép “Chủ tịch UBND TPHCM được ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn và Chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê tại đơn vị sự nghiệp công lập” theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

TP cũng đề xuất Đoàn ĐBQH TP có ý kiến và đề xuất khẩn trương sửa đổi, điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 ngay sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật, có 14 nội dung đề xuất cần quan tâm. Bên cạnh đó, UBND TP kiến nghị một số vấn đề về giá thành xây dựng, về dịch vụ du lịch.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát.

Nghị quyết 54 đã có tác động tốt đến phát triển kinh tế – xã hội

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã có góp ý, đề xuất nhằm giúp TP thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TP; đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội thời gian tới.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 cần có cơ chế cho TP hoàn thành vai trò nhiệm vụ của mình, góp phần cùng cả nước hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như thực hiện tốt các mục tiêu lâu dài của đất nước. Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, đất nước có một số địa phương đầu tàu về kinh tế như TPHCM là điều tốt, giống như là “một điểm tựa của đòn bẩy” mà nhiều địa phương khác không có được vị thế đó. Nếu biết cách sử dụng điểm tựa này sẽ là đẩy được đất nước đi lên rất nhiều. Đây cũng chính là một lợi thế rất lớn của TPHCM, nên đề nghị Trung ương có chính sách với TP một cách tương xứng, đột phá là hoàn toàn phù hợp. Cơ chế phải tương xứng và đột phá, không đột phá sẽ rất khó để phát huy hết được tiềm năng của TP.

Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân, trong 6 tháng cuối năm, TP phải xác định tiến độ thực hiện công tác quy hoạch. Đồng chí cho rằng, trong thực hiện chính quyền đô thị đã phân cấp được 85 đầu việc cho các quận, huyện, như vậy đã phát huy khá tốt và cần khẳng định kết quả này. Đồng chí đề nghị, cần đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; mức độ thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, 4; đánh giá tỷ lệ hài lòng người dân với các cấp chính quyền,...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, HĐND TP đồng hành xuyên suốt UBND TP và các đơn vị trong thực hiện Nghị quyết số 54. Bên cạnh các buổi khảo sát, HĐND TP đã có 2 buổi giám sát thực hiện Nghị quyết số 54. Trong đó, buổi giám sát năm 2020 đã tập trung đánh giá, phân tích, chỉ ra điểm UBND TP cần tập trung thực hiện. Sau khi phân tích, thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại hạn chế, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP cần có giải pháp cụ thể để khắc phục các hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 54. Đối với việc triển khai thực hiện các dự án, đồng chí đề nghị UBND TP xác định rõ dự án nào sẽ tiếp tục thực hiện và dự án nào sẽ dừng; đưa ra thời gian thực hiện để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân. Cùng đó là rà soát, nắm lại các công trình triển khai còn dang dở, tuyên truyền tạo sự đồng thuân nhân dân trong xây dựng thu hồi đất phục vụ cho việc triển khai các dự án.

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết hoạt động giám sát không chỉ là giám sát mà còn là dịp để các đại biểu trao đổi, xác định được các vấn đề, tìm các giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP. Từ đó, triển khai được các cơ chế đặc thù như thực hiện Nghị quyết 54, tiến hành các đầu tư lớn, tạo động lực mới cho TP.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết kết luận buổi giám sát. Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết kết luận buổi giám sát.

Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, Đoàn ĐBQH TP đánh giá UBND TPHCM đã rất kịp thời triển khai Nghị quyết 54. Riêng HĐND TP theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã chủ động thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 54 và chủ động trong tổ chức giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Đối với UBND TP, Đoàn ĐBQH TP thống nhất và ghi nhận kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 54 theo báo cáo của UBND TP.

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ với UBND TP về những khó khăn khách quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 54 có ảnh hưởng nhất định đến quá trình thực hiện như: tình hình dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đã được quyết định đầu tư theo cơ chế chính sách của Nghị quyết 54; việc triển khai các dự án có sử dụng đất lúa trên 10ha; những khó khăn quy định pháp luật trong cổ phần hóa doanh nghiệp…, Đồng chí đánh giá, mặc dù còn nhiều cơ chế, chính sách chưa triển khai thực hiện được nhưng các cơ chế chính sách Nghị quyết 54 đã có tác động tốt đến phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP và động viên đội ngũ cán bộ công chức trong thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian qua.

Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 54 trên địa bàn TP, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị UBND TP rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 54 để khi có Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 TP sẽ thực hiện tốt hơn. UBND TP cần phân tích, xác định rõ nguyên nhân trách nhiệm của các cơ quan với nội dung còn hạn chế chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa đầy đủ để làm cơ sở xây dựng cơ chế mới phát triển TP trước khi đề xuất với trung ương.

Về tình hình kinh tế - xã hội, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết kiến nghị UBND TP tập trung tháo gỡ vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là khó khăn trong các triển khai dự án đầu tư, đầu tư công trên địa bàn để các dự án được triển khai. Đồng thời đẩy mạnh giải vốn đầu tư công; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, triển khai các biện pháp thực hiện cụ thể.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo