Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều ý kiến góp ý về Dự án Luật Cảnh sát cơ động

Quang cảnh phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV, chiều 21/10, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đến dự phiên thảo luận tại tổ có Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết; Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Phước Thắng.

Bảo đảm bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả

ĐBQH Đặng Văn Lẫm, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm cụ thể hóa quy định có liên quan của Hiến pháp; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng khắc phục một số bất cập, hạn chế, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới.

Về hợp tác quốc tế của CSCĐ (Điều 8) Khoản 2 Điều 7 dự thảo Luật đang quy định một số hoạt động hợp tác quốc tế của CSCĐ trong phòng, chống tội phạm bắt cóc con tin, chiếm đoạt tàu thủy; tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ..., ông Đặng Văn Lẫm cho rằng: Quy định như vậy dẫn tới khả năng chồng chéo với hoạt động hợp tác quốc tế của các lực lượng khác, trong đó có Cảnh sát biển Việt Nam đối với các loại tội phạm diễn ra trên biển. Do đó, đề nghị rà soát, cân nhắc quy định rõ phạm vi, nội dung, địa bàn hợp tác quốc tế của CSCĐ, tránh việc quy định trùng lặp, chồng chéo với nội dung hợp tác quốc tế của các cơ quan, đơn vị, lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng nói chung, Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng.

Về nhiệm vụ của CSCĐ (Điều 9), ông Đặng Văn Lẫm cho rằng dự thảo Luật chưa quy định rõ ở phạm vi địa bàn nào thì lực lượng CSCĐ chủ trì thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; còn ở địa bàn nào thì lực lượng CSCĐ phối hợp thực hiện. Nên sẽ dẫn đến chồng chéo giữa các lực lượng khi thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể: khoản 2, khoản 4 Điều 9 dự thảo Luật đang quy định chung chung nhiệm vụ của CSCĐ; gây trùng lặp chồng chéo hoạt động thực thi nhiệm vụ của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, trong đó có Cảnh sát biển Việt Nam. Ông Đặng Văn Lẫm đề nghị rà soát, cân nhắc quy định rõ địa bàn, phạm vi CSCĐ được thực hiện nhiệm vụ vũ trang nhằm chống hoạt động phá rối an ninh, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ông Đặng Văn Lẫm cho rằng: Khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật quy định CSCÐ được huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp cấp bách, trừ phương tiện, thiết bị của cơ quan ngoại giao, lãnh sự và tổ chức quốc tế. Như vậy, trong trường hợp cấp bách, cán bộ, chiến sĩ CSCĐ được quyền huy động cả người, phương tiện, thiết bị của Quân đội nhân dân. Quy định như dự thảo Luật chưa bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ và thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan.

Về nguyên tắc phối hợp giữa CSCĐ với các lực lượng khác và chính quyền địa phương quy định tại Điều 19 dự thảo luật, các đại biểu cho rằng chưa quy định về trách nhiệm và chế độ chính sách của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ Cảnh sát cơ động trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, cần bổ sung quy định về phối hợp với các cơ quan, tổ chức nước ngoài của CSCĐ được tiến hành.

Một số ý kiến cho rằng dự thảo luật chưa quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm Luật Cảnh sát cơ động và vi phạm pháp luật khác của cán bộ, chiến sĩ CSCĐ và cá nhân, tổ chức thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tính mạng của người khác, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Đặng Văn Lẫm phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ. Đại biểu Quốc hội Đặng Văn Lẫm phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ.

Mạnh dạn nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tạo sự đột phá cho phát triển

ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, đồng tình với việc sửa đổi luật. Tuy nhiên, tính chất và quy mô sửa đổi bổ sung lần này khá lớn (chiếm 41% các điều của luật) và luật này đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào năm 2009 và 2019. Vì thế, kiến nghị nên ban hành luật mới, thay cho tiếp tục sửa đổi, bổ sung.

Về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh đồng tình với phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành. Cụ thể là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Các vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng tác giả mà còn ảnh hưởng xã hội, người tiêu dùng, hoặc cho xã hội. Vì thế, tất cả hành vi vi phạm phải được phát hiện và xử phạt hành chính.

Liên quan đến quyền đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí, ông Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia đồng thuận với việc sửa đổi quy định theo hướng giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học, công nghệ.

Theo ông Vũ Hải Quân, nhiều nước trên thế giới đã thực hiện điều này từ hơn 40 năm trước và Việt Nam bây giờ mới bàn bạc về việc này là quá chậm trễ, đồng thời, đề nghị nên mạnh dạn thực hiện, tạo sự đột phá cho phát triển.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo