Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều tổ chức xã hội cùng tham gia bảo vệ quyền lợi người lao động

ĐB Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 7/6, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nội dung này đã được thảo luận tại tổ chiều 29/5.

Các ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 là nền tảng cho sự vận hành của thị trường lao động tại Việt Nam phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường, giúp cho sự phát triển đi theo đúng hướng, tiến tới xây dựng quan hệ lao động hiện đại ở Việt Nam…

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, sắp tới sẽ không còn duy nhất tổ chức công đoàn mà có nhiều tổ chức xã hội khác cùng tham gia bảo vệ cho người lao động (NLĐ), vì vậy phải “chia đều” mức 2% tiền đóng của các doanh nghiệp vào Quỹ công đoàn cho các tổ chức khác. Bởi theo quy định hiện hành về đóng góp kinh phí cho Quỹ công đoàn thì NLĐ phải đóng 1% tiền lương, còn doanh nghiệp (chủ sử dụng lao động) đóng 2%. Tổng cộng là 3% cho Quỹ công đoàn.

“Do đó, cần nghiên cứu tái cấu trúc lại Quỹ công đoàn, làm rõ cơ chế quản lý và vận hành của quỹ này trong tương lai. Nếu có nhiều tổ chức đại diện cho NLĐ thì không thể là Quỹ công đoàn được, bởi vì các tổ chức đại diện khác của NLĐ cũng có quyền được hưởng điều này”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm và đề nghị, không còn là quỹ công đoàn mà cần thành lập quỹ của NLĐ, hay là quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa ở Việt Nam. Quản lý quỹ này cần có vai trò của 3 bên: nhà nước, công đoàn và tổ chức của giới chủ sử dụng lao động.

ĐB Bùi Văn Cường (Gia Lai), Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Khác với các tổ chức chính trị xã hội khác, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không sử dụng ngân sách nhà nước mà tự thu kinh phí để trang trải cho hoạt động của mình, cũng như để chăm lo cho NLĐ. Vì vậy, 2% làm kinh phí cho công đoàn là một chính sách của Đảng và Nhà nước để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Ý kiến của Chủ tịch VCCI, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn toàn nhất trí vì tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ của một tổ chức chính trị xã hội và cán bộ công đoàn được xác định là công chức trong hệ thống chính trị. 

Cũng theo ĐB Bùi Xuân Cường, hiện nay, trong 2% đó thì 69% dành cho công đoàn cơ sở hoạt động, còn lại 31% dành cho từ cấp trên cơ sở về đến Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Vì thế, cần thiết kế lại kinh phí công đoàn theo hướng chia cho các tổ chức đại diện khác, ví dụ trong 1 doanh nghiệp có 2 hay 3 tổ chức thì chia theo tỷ lệ mà số lượng lao động tham gia, theo cách này sẽ rất công bằng.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản: bảo vệ NLĐ và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của NLĐ không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, việc gia nhập và triển khai thực hiện Công ước số 98 sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho NLĐ và người sử dụng lao động tiến hành thương lượng tập thể về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác trong quan hệ lao động như làm thêm giờ, bữa ăn giữa ca và các chế độ phúc lợi khác…

Cũng trong sáng 7/6, Quốc hội xin ý kiến ĐBQH bằng hệ thống điện tử về một nội dung của dự thảo Luật Kiến trúc và một nội dung trong phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng chung và nguồn vốn còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Thời gian còn lại của phiên họp sáng, Quốc hội họp riêng nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về xử lý một số vấn đề phát sinh trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2018, 2019 và thảo luận tại hội trường về nội dung trên.


Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm:

Làm giả xăng dầu là rất nguy hiểm

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm


Sáng 7/6, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua nắm tình hình ban đầu, Bộ Công an thấy có rất nhiều quan hệ kinh tế bất thường nên tập trung xác minh xem nguồn hàng hoá từ đâu, tại sao lại có sự bất thường về giá cả như vậy. “Do xăng dầu là một mặt hàng thuộc lĩnh vực kinh tế kĩ thuật khá phức tạp, đòi hỏi đội ngũ công an phải tìm hiểu kỹ lưỡng mới đưa ra được kết luận. Việc làm giả xăng dầu là rất nguy hiểm, làm nhiễu loạn thị trường xăng dầu là hết sức phức tạp vì ảnh hưởng nguồn cung năng lượng”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đây mới chỉ là kết quả bước đầu của cơ quan công an, nhưng chắc chắn những kiểu dạng làm ăn phi pháp như vậy còn rất nhiều, rất phức tạp nên cần tiếp tục điều tra, làm rõ. Bộ trưởng cũng chia sẻ, kết quả triệt phá đường dây này là cả một quá trình, rất gian nan và khó khăn. “Do trải dài trên một địa bàn rất rộng, thời gian không phải mới bắt đầu gần đây, việc phát hiện rất khó, nhiều khó khăn. Anh em cũng đã rất cố gắng”- Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Liên quan đến 24 cửa hàng lấy nguồn xăng giả của đại gia Trịnh Sướng, Bộ trưởng Công an cho biết đang tiếp tục được cơ quan Công an tỉnh Đắc Nông điều tra làm rõ, vì những cửa hàng này có thể móc nối, thông đồng trong việc buôn bán xăng giả, hoặc có thể vô tình không biết. “Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm việc, vi phạm pháp luật tới đâu sẽ tiếp tục điều tra, nghiên cứu tới đó”- Bộ tưởng Tô Lâm cho biết.

Trước đó, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện một đường dây sản xuất, mua bán hàng giả là xăng dầu trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương, với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Sau đó, Công an tỉnh đã thành lập chuyên án để đấu tranh. Đến ngày 13/3, sau một thời gian điều tra, thu thập các tài liệu, chứng cứ, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố 9 bị can về hành vi sản xuất, mua bán hàng giả… Theo kết quả điều tra ban đầu, từ 1/1/2017 đến nay, các đối tượng đã chi hơn 3.000 tỷ đồng để mua dung môi và các nguyên liệu pha chế xăng giả. Mỗi tháng các đối tượng đưa ra thị trường tiêu thụ trên 6 triệu lít xăng giả…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo