Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Liên hoan Chèo toàn quốc 2019

Nhiều tín hiệu tích cực dành cho nghệ thuật truyền thống

Vở Công lý không gục ngã – Nhà hát Chèo Quân đội

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 28/9, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã khép lại với một mùa hội Chèo thành công. Hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị toàn quốc đã cùng nhau hội tụ, tranh tài và thăng hoa trong sự cổ vũ của lực lượng khán giả hùng hậu nhất trong các liên hoan, hội diễn sân khấu truyền thống những năm gần đây…

Thắp lại tình yêu với Chèo

Sân khấu Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang suốt 14 ngày đêm qua luôn luôn trong tình trạng quá tải. Trước liên hoan, vẫn còn rất nhiều trăn trở, băn khoăn khi những năm gần đây, hiện tượng khán giả quay lưng lại với sân khấu truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng là có thật. Nhưng, chính khán giả Bắc Giang đã cho câu trả lời hoàn toàn ngược lại, khi người dân nơi đây, trong mùa hội này, đang “ăn cùng chèo, ngủ cùng chèo, nói chuyện chèo”. Nhiều nghệ sĩ đã phải thốt lên: Chèo đang quay trở lại thời kỳ vàng son như những năm 90 của thế kỷ trước khi mà người dân phải xếp hàng, thậm chí đi thật sớm may ra mới có được 1 chỗ đứng để xem chèo.

PGS. TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật vui mừng nhận định: “Những ngày qua, khán giả đã đến với nghệ sĩ rất đông, khán phòng không còn chỗ đứng, chỗ ngồi. Có người đi xa tới hàng vài chục km, phải mang theo cơm nắm, bánh mì để giữ chỗ… Nghệ sĩ đã hòa mình vào khán giả làm cho liên hoan được thăng hoa trong cảm xúc nồng nhiệt qua tiếng cười, tiếng vỗ tay cùng lời khen hồn nhiên và những giọt nước mắt cảm động vô tư”.

Với 26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ (24/26 vở) và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn nóng bỏng, nổi cộm, bức xúc,… trước những hành xử của cơ chế thị trường, như vấn đề: công danh với tình yêu, tình riêng với nghĩa nước, tình yêu với lời nguyền thù hận, tham vàng bỏ ngãi… tất cả đều hướng tới: ca ngợi tài năng, đức độ, liêm chính, trung thực của lẽ sống làm người; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, hi sinh hạnh phúc cá nhân cho non sông đất nước, đồng loại và phê phán những nhân cách nhỏ nhen, ích kỷ hại nước, hại dân của thói hư, tật xấu ở đời…

Thành quả của 26 tác phẩm trên là do bản lĩnh của các tác giả “lão tướng”: Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Lê Duy Hạnh… cùng những gương mặt trẻ: Lê Thế Song, Nguyễn Toàn Thắng, Mai Văn Lạng, Nguyễn Sĩ Sang, Lê Ngọc Ánh… đã làm cho sân khấu Liên hoan Chèo thêm nhiều giọng điệu, màu sắc, sinh động. 26 tác phẩm nghệ thuật ấy được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu liên hoan bởi có bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn. Đó là những nghệ sĩ đã có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết với nghiệp chèo như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trương Hải Thọ và các nghệ sĩ trẻ đang được giới chèo khẳng định: NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Tạ Quang Lẫm…

Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các diễn viên. Ban Tổ chức trao Huy chương Vàng cho các diễn viên.

Nỗ lực hơn để giữ nghề

Đặc biệt, hình ảnh cảm động là khi chứng kiến những nghệ sĩ hàng ngày phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng nhiều công việc khác để nuôi dưỡng niềm đam mê chèo, vậy mà họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để đến với hội chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống. Có nghệ sĩ vốn ở kịch nói, cải lương, ca múa nhạc… cũng xả thân mình thành chèo để diễn chèo, để “chia lửa” cùng các nghệ sĩ trong Trung tâm nghệ thuật tỉnh mình. Họ đã lung linh dưới ánh đèn sân khấu và thắp lên những màu sắc huyền diệu của hình tượng chèo bằng tất cả thanh- sắc- thục- tinh- khí- thần của một đời tích lũy để hiến dâng cho khán giả.

Tuy không quá lạc quan với những gì đã đạt được, PGS. TS Trần Trí Trắc cũng đã chỉ rõ những điểm còn khuyết thiếu, hạn chế: “26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ”. Theo PGS.TS Trần Trắc Trí, đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả. Một số đạo diễn còn lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát vocal (hát chính), hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực…

Liên hoan đã khép lại, nhưng dư âm về những vai diễn, những tình cảm của khán giả Bắc Giang sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ, những người làm nghề như một vết dấu cho sự chuyển giao thời đại tích cực cho chèo.

Ban Tổ chức đã ghi nhận và trao tặng các giải thưởng tại Liên hoan, gồm: 5 Huy chương Vàng cho các vở diễn: Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội), Công lý không gục ngã (Nhà hát Chèo Quân đội), Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình), Chuyện tình Hàn Sĩ -Đào Nương (Nhà hát Chèo Hải Dương), Người con gái Kinh Bắc (Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang). Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 6 HCB cho các vở diễn, 1 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 1 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 1 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 HVC, 61 HCB cho các cá nhân tham gia Liên hoan.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo