Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nguồn lực để tăng chi đầu tư khó có đột phá để thúc đẩy tăng trưởng

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 30/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý

Đánh giá bức tranh kinh tế, ngân sách năm 2018 là đẹp và toàn diện, khi 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch; tổng thu ngân sách vượt dự toán, ngân sách Trung ương vượt thu sau 3 năm liên tiếp hụt thu; bội chi được kiểm soát, nợ công trong giới hạn cho phép, tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc phát triển doanh nghiệp khi mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 đã cận kề, cũng như vấn đề thu, chi ngân sách nhà nước.

Các đại biểu cho biết, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Đưa ra số liệu năm 2018, có 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thì có tới 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) phân tích: Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có hơn 5 doanh nghiệp rời thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3% số doanh nghiệp cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai, chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi… Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn.

Cho rằng số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động rất cao, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và lớn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) nhìn nhận đây là thực trạng phản ánh tình hình không thuận trong môi trường đầu tư do cơ chế chính sách. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc cũng chỉ ra rằng, việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả rất thấp. Qua tìm hiểu lý do, nhiều hộ cho rằng, nếu là hộ kinh doanh cá thể thì thuế đóng ít hơn, lên doanh nghiệp phải thuế đóng nhiều hơn. Đại biểu Nguyễn Thị Phúc đề nghị Chính phủ đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể còn cao và việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Đại biểu Trần Tất Thế Đại biểu Trần Tất Thế

Còn đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam còn rất chậm và chưa đi vào thực tế, thực chất. Nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Nhiều nơi đã đạt và vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh, nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn còn là vấn đề đặt ra.

Từ phân tích trên, đại biểu Trần Tất Thế đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn nữa về vấn đề này, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan. Còn đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị Chính phủ, các cơ quan Trung ương quyết liệt hơn trong việc cải cách thể chế. Đồng thời sớm xem xét, tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác mọi nguồn lực, chú trọng nguồn lực trong nước của các tổ chức, cá nhân để phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tất cả các loại hình.

Tháo gỡ bất cập trong thu chi ngân sách

Về vấn đề thu, chi ngân sách, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ đã rất nỗ lực để cân đối được ngân sách; có nguồn thu để đáp ứng nhiệm vụ chi; kiểm soát bội chi, kéo nợ công ra xa mức trần. Tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần tiếp tục tháo gỡ. Trong đó, thu ngân sách không bền vững, thu từ tài nguyên, đất đai vẫn có tỷ trọng lớn, một số khoản thu quan trọng từ sản xuất kinh doanh các năm gần đây không đạt dự toán.

“Giai đoạn 2016 - 2018, tỷ trọng thu từ dầu trong tổng thu ngân sách giảm nhanh nhưng tỷ trọng thu từ đất cũng tăng nhanh tương ứng, nên số thu từ đất cộng với dầu trên tổng thu ngân sách tăng lên. Nếu năm 2016, thu từ dầu cộng đất chiếm 14,8% tổng thu ngân sách thì năm 2017 là 15,7% và năm 2018 tăng lên 17,6%.  Chính sách thu hầu như không điều chỉnh, mục tiêu động viên 21% GDP vào ngân sách khó đạt được, dự báo sẽ hụt thu giai đoạn 2016-2020 so với mục tiêu dẫn đến nguồn lực để tăng chi đầu tư khó có đột phá để thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu Hoàng Quang Hàm phân tích.

Toàn cảnh phiên thảo luận Toàn cảnh phiên thảo luận

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cũng chỉ ra rằng, giải ngân vốn đầu tư công năm 2018 thấp nhất trong 6 năm qua; 4 tháng đầu năm 2019 cải thiện hơn nhưng cũng chỉ tăng hơn so với cùng kỳ 0,18%; chậm giải ngân vốn đầu tư đã diễn ra nhiều năm chủ yếu là do tổ chức thực hiện vì những vướng mắc của Luật Đầu tư công chỉ ảnh hưởng đến những dự án mới mà giai đoạn 2016-2018 ngân sách khó khăn nên mở mới rất ít dự án.

Cùng với đó, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khu vực nhà nước, thực hiện tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công triển khai chậm nên chi lương, phụ cấp từ ngân sách cao. Năm 2017, chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương là 343.000 tỷ đồng chiếm 39% tổng chi thường xuyên; cộng thêm lương hưu và trợ cấp BHXH thì bằng 391.000 tỷ đồng, chiếm 44%, lớn hơn chi đầu tư phát triển.

“Tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách Trung ương trong tổng chi đầu tư đang giảm dần; bổ sung chi đầu tư từ ngân sách trung ương cho địa phương cao hơn nhiều so với tỷ lệ tối đa 30% qui định trong Luật Ngân sách nhà nước làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực cho các chính sách lớn, các dự án lớn liên vùng để tạo ra các cú huých cho tăng trưởng”, đại biểu Hoàng Quang Hàm chỉ rõ.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo