Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Người nâng bước cho học sinh chuyên biệt

Cô giáo Hoàng Thị Nguyệt ân cần dạy học sinh chuyên biệt. (Ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) - Là một trong 2 giáo viên của khối giáo dục chuyên biệt đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 do Sở Giáo dục - Đào tạo TP trao tặng, trong suốt 23 năm qua, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt, Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng quận Gò Vấp là giáo viên có năng lực, luôn dành nhiều tâm huyết để dạy những học sinh chuyên biệt, được các em yêu mến, có uy tín với phụ huynh học sinh…

Xuất phát từ tình yêu nghề

“Con thỏ, con thỏ đi gật gật. Thỏ đi vào rừng. Thỏ nhổ củ cà rốt. Một củ là một củ cà rốt, hai củ là hai củ cà rốt, ba củ cà rốt là ba củ cà rốt, bốn củ cà rốt là bốn củ cà rốt, năm củ cà rốt là năm củ cà rốt…” Đó là bài học đếm trong giờ dạy học của giáo viên Hoàng Thị Nguyệt tại lớp 1C, Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng quận Gò Vấp. Bài thơ này được cô giáo Nguyệt biến thể từ bài thơ “Con thỏ vào rừng” để giúp cho học sinh chuyên biệt học đếm dễ dàng hơn. Những con số được cô giáo nhấn mạnh và học sinh ríu rít đọc theo.

Chia sẻ việc dạy dỗ các em học sinh chuyên biệt, cô Nguyệt cho biết, khi dạy học sinh chuyên biệt, việc hiểu được ngôn ngữ không lời của trẻ là rất quan trọng. Các em không thể nói được ý nghĩ của mình, vì vậy giáo viên phải nhận biết được ý nghĩ của các em qua cử chỉ, hành vi để có ứng xử phù hợp.

“Học sinh chuyên biệt học toán số rất khó, giáo viên phải tự nghĩ thêm những bài hát, bài thơ giúp các em học đếm dễ dàng hơn. Đây là một trong những phương thức dạy học theo sáng kiến “Một số biện pháp nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển trí tuệ ở lứa tuổi tiền học đường của bậc tiểu học” của tôi” - cô giáo Hoàng Thị Nguyệt cho biết. Cùng với sáng kiến này, cô Hoàng Thị Nguyệt cũng đã có nhiều sáng kiến khác để nâng cao hiệu quả dạy trẻ chuyên biệt.

Kể về “cơ duyên” đến với học sinh chuyên biệt, cô Hoàng Thị Nguyệt nhớ lại, năm 1995, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công tác xã hội, cô Nguyệt xin về Trường Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng quận Gò Vấp với mục đích ban đầu thử cho biết công việc ở trường. Nhưng khi dạy ở đây, cô nhận thấy các em rất dễ thương và cũng thiếu may mắn hơn so với những học sinh bình thường.

Với sự cảm thông, chia sẻ với học sinh chuyên biệt cô Nguyệt đã thấy ngày càng gắn bó với ngôi trường này và tìm tòi các phương pháp dạy học sinh của mình được tốt hơn. “Lúc đầu tôi dạy học sinh khiếm thính. Các em hạn chế về ngôn ngữ và không nghe được nên rất khó khăn khi giao tiếp. Để dạy tốt học sinh của mình tôi đã vừa tự học hỏi, vừa học bạn bè. Sau khi học thêm trung cấp sư phạm tiểu học để nắm được phương pháp dạy học, tôi học tiếp cử nhân giáo dục đặc biệt để có kỹ năng dạy học sinh của mình” - cô Nguyệt kể.

Khi về dạy cho học sinh chuyên biệt, nhiều người bạn cũng đã ngăn cản cô Nguyệt vì cho rằng đây là công việc quá khó khăn hoặc không có thiện cảm với công việc này. Nhưng cô luôn nghĩ nếu ai cũng không dạy các bé khuyết tật thì các em rất thiệt thòi. Với cô, việc giúp cho học sinh chuyên biệt tất cả đều xuất phát từ tình yêu nghề; đồng thời cũng là niềm hạnh phúc của mình… Ý nghĩ đó đã thôi thúc cô tận tâm hơn với công việc mình đã chọn.

Một giờ học trong lớp do cô Hoàng Thị Nguyệt dạy. (Ảnh: Đan Như) Một giờ học trong lớp do cô Hoàng Thị Nguyệt dạy. (Ảnh: Đan Như)

Hạnh phúc vì đã giúp được học sinh

Nhớ về những tháng năm đồng hành cùng học sinh chuyên biệt, cô bồi hồi nhớ về một em học sinh tự kỷ nặng kèm theo dấu hiệu tăng động. Em học sinh này hay lao ra các phòng khác rồi đóng cửa lại. Khi ra ngoài chạy lung tung vào cả nhà người khác. Có những lúc cô cảm thấy vô vọng vì không thể giúp được học sinh này nhiều. Không chịu lùi bước, cô Nguyệt đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và được biết bố mẹ không hạnh phúc em phải về sống với bà nội. Em đã bị xáo trộn tâm lý, khó thích nghi, hòa hợp với người khác. Hiểu được hoàn cảnh của học sinh, cô Nguyệt đã kiên trì đưa ra bài tập giúp bé dần dần chuyển biến.

“Mỗi lần bé có biểu hiện tăng động, tôi lập tức cầm tay bé để bé thấy được an toàn, rồi chơi và nói chuyện, vỗ về. Dần dần bé nói chuyện nhiều hơn. Sau đó tôi đã đưa bài tập, giao việc, động viên cho bé làm. Những phương pháp đó giúp học sinh này bớt “lăng xăng” hơn và dần tham gia hoạt động cùng nhóm bạn trong lớp. Lúc đó tôi cảm thấy hạnh phúc, vì đã giúp được cho học sinh của mình” - Cô Nguyệt xúc động.

Giới thiệu về lớp mình đang dạy, cô Nguyệt cho biết, trong lớp 1C có 12 em thì có 12 tính cách, hoàn cảnh khác nhau, có em tự kỷ, có em tăng động, có em chậm phát triển trí tuệ... Để giúp các em tiến bộ, giáo viên cần hiểu tâm lý từng em, rồi đưa ra phương pháp phù hợp với các em. “Điều quan trọng nhất đối với giáo viên dạy học sinh chuyên biệt là cái tâm, có nhiệt huyết, phải hiểu được ngôn ngữ không lời của trẻ. Khi dạy học sinh chuyên biệt, việc hiểu được ngôn ngữ không lời của trẻ là rất quan trọng. Các em không thể nói được ý nghĩ của mình, vì vậy phải nhận biết được ý nghĩ của các em qua cử chỉ, hành vi để có ứng xử phù hợp. Muốn hiểu các em mình phải quan tâm, chăm chút và làm cho các em cảm nhận sự quan tâm của mình và tạo được động lực cho các em” - Cô Nguyệt chia sẻ.

Đánh giá về cô giáo Hoàng Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Giáo dục Chuyên biệt Hy Vọng, quận Gò Vấp Trần Thị Kim Trâm cho biết, cô Hoàng Thị Nguyệt là giáo viên, một đảng viên có năng lực, có tâm huyết với nghề, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giáo dục chuyên biệt. Cô từng đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi giáo viên giỏi cấp TP năm học 2014-2015. Cô Nguyệt luôn thương yêu học sinh, được các em yêu mến, có uy tín với phụ huynh học sinh. Với đồng nghiệp, cô luôn được đồng nghiệp tin yêu. Cô luôn tận tình hướng dẫn giáo viên mới về trường.

Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo