Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nghề làm nước mắm truyền thống Nam Ô là Di sản văn hóa phi vật thể

(Ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) vừa ký quyết định công bố đưa nghề làm nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT-DL, nghề làm nước mắm Nam Ô hiện nay vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy và trao truyền những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm. Đây không chỉ là một sản phẩm vật chất hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của người dân, mà còn mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương và cộng đồng. Hơn thế nữa, nước mắm Nam Ô còn là một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc của làng nghề truyền thống bao đời, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Đối với người dân xứ Quảng, trong đó có người dân TP Đà Nẵng, nước mắm không chỉ là món ăn, là gia vị mà còn là một phần của lịch sử, của văn hóa, hàm chứa những tri thức dân gian, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương.

Theo hồ sơ di sản, nước mắm Nam Ô, được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công truyền thống, là thành quả lao động sáng tạo của người dân được truyền nối qua bao thế hệ dựa trên sự biến đổi sinh hóa phân giải protid thịt cá bằng dung dịch nước muối.

Đặc biệt, thương hiệu nước mắm Nam Ô nổi tiếng, đến nay vẫn bảo lưu và gìn giữ những kinh nghiệm dân gian, những bí quyết về kỹ thuật làm nước mắm của mình. Đó là điều kiện thuận lợi và rất phù hợp để liên kết phát triển du lịch làng nghề gắn với phát triển du lịch tại địa phương.

Nghề làm nước mắm Nam Ô thuộc địa bàn 2 phường Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, hiện nay còn 92 hộ làm nước mắm, trong số đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề nước mắm truyền thống, được cấp thẻ hội viên và có chứng chỉ hành nghề, chịu sự quản lý, giám sát của Hội Làng nghề. Trong 54 hộ này, có 10 cơ sở làm nước mắm có quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, có 3 Hợp tác xã và 1 doanh nghiệp (Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Hiệp I - Xuân Thiều, Hợp tác xã Chế biến hải sản Đông Hải, Hợp tác xã Ô Long và Doanh nghiệp nước mắm Hồng Hương), các hộ còn lại làm theo mùa vụ.

Từ khi Hội Làng nghề được thành lập và sản phẩm nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Logo, nhãn hiệu tập thể.

 Ngoài sản phẩm nước mắm truyền thống, làng nghề còn có sản phẩm khác như: Mắm ruốc, mắm ngắn ngày, cá khô các loại, bình quân đạt từ 5 tấn/năm, với tổng doanh thu trên 5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 220 lao động, chất lượng mắm thơm ngon, được thị trường chấp nhận.

Trúc Anh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo