Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Ngày 1/6/2021 chính thức tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo

(Thanhuytphcm.vn) - Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/2021. Nghị định bao gồm 5 chương, 74 điều, quy định chi tiết về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Liên quan vi phạm hành chính về quảng cáo trên báo chí, có 4 hành vi sẽ bị phạt tiền cao hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định 158/2013, 2 hành vi vi phạm mới được bổ sung và 1 hành vi bị bỏ, quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của nghị định này.

Đáng chú ý, tại các Điều 51, 52, 55 quy định về quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm, sữa - dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ…, mức xử phạt cho các hành vi vi phạm đã được tăng mạnh so với quy định trước đây.

Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 51 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Hiện nay, Nghị định 158/2013/NĐ-CP (hết hiệu lực từ ngày 1/6/2021) nêu rõ hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc thì bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (điểm a Khoản 3 Điều 69).

Có thể thấy, Nghị định 38/2021/NĐ-CP đã tăng mạnh mức phạt tiền đối với hành vi này. Tương tự, tại Khoản 4 Điều 52 quy định về vi phạm quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo