Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Các đại biểu góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng cần quan tâm, bổ sung vào Luật mức đãi ngộ cho các cán bộ kiêm nhiệm vai trò trong Ban chỉ đạo Phòng, chống thiên tai tại địa phương; tăng cường công tác di dời, tái định cư hậu thiên tai cho người dân; cần phân loại, phân cấp thiên tai để có sự chỉ đạo, hỗ trợ xử lý kịp thời của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương...

Đại biểu Lương Hữu Anh, Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ cho rằng cần nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là phương châm “4 tại chỗ”; cần ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng, triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai, huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP Trần Văn Tuấn đề nghị cần điều chỉnh tên gọi là “Luật Phòng ngừa, ứng phó thiên tai thảm họa”. Vì không ai có thể thực hiện “chống thiên tai”, đã là thiên tai, khó dự báo được.

Cũng tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu vì vậy nghiên cứu khoa học và công nghệ cần tập trung công tác dự báo, cảnh báo, ứng phó thiên tai. Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin, truyền thông các loại hình thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động có thể làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Về Luật Đê điều, đa số đại biểu đồng tình với các nội dung sửa đổi trong dự thảo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chưa cần thiết góp ý Luật Đê điều trong thời điểm này và chỉ cần tập trung vào Luật Phòng, chống thiên tai.

Kết luận tại hội thảo, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết đánh giá cao những đóng góp thiết thực, có chiều sâu của các đại biểu cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều. Các đóng góp ý kiến của các đại biểu tham gia hội thảo sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM ghi nhận và trình Quốc hội trong phiên họp tới.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo