Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10 Quốc hội khoá XIV, ngày 26/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Công tác phòng ngừa tội phạm vẫn còn hạn chế

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra; đồng thời cho rằng công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) nêu ý kiến các báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đều đưa ra một nhận định chung là số lượng các vụ án, đặc biệt là các vụ án hình sự kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm còn cao, có chiều hướng phức tạp, nhưng mới chỉ dừng lại ở những nhận định, mà chưa đưa ra được nguyên nhân và giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này. Đặc biệt, báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã chỉ ra các vi phạm pháp luật trong tố tụng mà chủ yếu trong khâu mở rộng điều tra.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định, lợi dụng dịch bệnh Covid-19, có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan chức năng phòng chống dịch bệnh lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư trang thiết bị y tế. Kết quả điều tra vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho thấy có tình trạng nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần.

Theo Đại biểu Nguyễn Bá Sơn, điều đáng quan tâm cần được điều tra làm rõ, đó là liệu có tình trạng 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế có hình thành mặt bằng giá thiết bị y tế để các Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các địa phương phải mua thiết bị với giá cao. Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này nhà nước không nắm giữ, kiểm soát, điều tiết để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng trong báo cáo cũng nêu một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng như hiếp dâm tăng trên 13%, đặc biệt tội phạm hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%; gây rối trật tự công cộng tăng hơn 53%; chống người thi hành công vụ tăng, đặc biệt số vụ chống lực lượng công an thi hành công vụ tăng 260%; số vụ giết người thân tăng 171%...

Theo đại biểu Hà Thị Lan, hiện nay tình trạng lợi dụng mạng viễn thông, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật như việc đưa tin giả, tình trạng đánh bạc vẫn diễn ra hàng ngày… Công tác phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực như quản lý xuất nhập cảnh, quản lý mạng viễn thông, mạng xã hội, mạng internet vẫn còn hạn chế, bất cập và việc đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, gây nhức nhối xã hội; kết quả xử lý chưa hiệu quả.

Từ thực tế trên, đại biểu Hà Thị Lan đề nghị Chính phủ, các cơ quan tư pháp cần có đánh giá cụ thể về công tác phòng ngừa các loại tội phạm; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện quy định của Luật An ninh mạng, phát hiện xử lý nghiêm hành vi đưa tin giả, hành vi kích động bạo lực… Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là giới trẻ và công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...

Phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, đa số đại biểu cho rằng mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” của Đảng. Nhờ vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; qua đó góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng thực tế lợi ích nhóm, sân sau vẫn còn tồn tại, gây bất công trong hoạt động đầu tư cơ bản, mua sắm tài sản công, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp. Tình trạng tham nhũng không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước, mà còn xảy ra các lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế nghiêm trọng, có tình trạng tham nhũng ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp… làm giảm niềm tin của nhân dân đối với một bộ phận cơ quan này.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng là hết sức cần thiết; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị, cũng như phát hiện của nhân dân, phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý sai phạm…

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo