Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Năm 2024, giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, giai đoạn từ 2011 đến 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành điện vẫn đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010. Công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW. So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh, sản lượng điện sản xuất ước thực hiện năm 2020 đạt khoảng 93,3% sản lượng quy hoạch, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 91,6%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, những năm qua ngành điện đã tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành khối lượng lớn các dự án nguồn và lưới điện. Tính đến hết năm 2019, tổng công suất đặt của hệ thống điện quốc gia đạt 54.880 MW. Về năng lượng tái tạo, hiện nay, tổng công suất điện gió và mặt trời là khoảng 5.800 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn của hệ thống. Tổn thất điện năng ngày càng giảm, kết quả thực hiện tiết kiệm điện có chuyển biến tích cực. Thị trường điện cạnh tranh đã được tích cực triển khai, đáp ứng lộ trình quy định của Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Đồng thời có sự mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Bên cạnh đó, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.

Phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội” Phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”

Giá điện là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm tại Phiên giải trình. Đặt câu hỏi cho người đứng đầu ngành Công thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu chủ trương của Đảng là vận hành ngành Điện theo kinh tế thị trường, kể cả giá điện đầu vào và giá bán, nhưng thực tế hiện nay giá điện chưa bám sát kinh tế thị trường, điều này có làm giảm động lực phát triển của điện năng.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm thì nêu lên một thực tế là từ năm 2011 tới nay, đã có 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, song giá điện chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm (trừ giai đoạn có dịch COVID-19 vừa qua); đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương giải trình ý kiến cho rằng: Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình để giảm giá thành bán lẻ điện năng, giá điện chưa hợp lý.

Lý giải, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, hiện chúng ta đang hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường điện cạnh tranh. Theo đề án Thủ tướng phê duyệt năm 2011 có 3 cấp độ. Cấp độ đầu tiên, thị trường phát điện cạnh tranh bắt đầu thực hiện năm 2011 và đến nay đã hoàn chỉnh. Đã có 94 nhà máy điện tham gia vào thị trường điện cạnh tranh.

Cấp độ hai là thị trường bán buôn điện cạnh tranh được triển khai từ năm 2018, năm 2019 đã có thị trường này và đã tiến hành bán điện cạnh tranh với các tổng công ty lớn ngoài EVN tham gia trực tiếp.

Cấp độ ba là thị trường bán lẻ giá điện cạnh tranh dự kiến thực hiện vào năm 2024, sau khi tiến hành tổng kết thí điểm trong giai đoạn 2021 – 2024, để đảm bảo ổn định và tính khả thi, hiệu quả của mô hình này.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, giá điện theo cơ chế thị trường, điều đó có nghĩa là người sử dụng điện cho dù là sản xuất hay tiêu dùng sinh hoạt đều trực tiếp ký hợp đồng với nhà phân phối bán điện giá rẻ. Cơ chế điện này có tăng, có giảm theo đúng kinh tế thị trường, cơ cấu giá đầu vào của giá thành sản xuất điện. Đến khi đó, Nhà nước chỉ quản lý phí của hệ thống truyền tải và phân phối. Còn lại cơ chế, cơ cấu giá thành sản xuất quyết định giá bán lẻ. Đến năm 2024 thực tế mới là thị trường hoàn chỉnh và giá điện vận hành theo đúng cơ chế thị trường. Còn hiện nay chưa làm điều đó.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thực tế, thời gian qua khi thực hiện thị trường điện cạnh tranh chưa có cơ hội để cân đối và đảm bảo giá thành của giá điện sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư. Trên thực tế, người tiêu dùng và người sử dụng điện chưa có cơ hội được hưởng cơ chế điện giá giảm... Hiện Bộ Công thương đang tiếp tục nghiên cứu xây dựng biểu giá bán lẻ điện. Tuy nhiên, làm sao để cơ cấu giá điện bảo đảm giải quyết ổn thỏa, mang lại lợi ích và hiệu quả cao, rất cần một giải pháp tổng thể. Bộ cũng đang xin ý kiến của dư luận về giá điện bán lẻ bậc thang, cũng như giá bán lẻ điện một giá. Sau khi nghiên cứu và đánh giá, tiếp thu các ý kiến đóng góp thấy vẫn còn nhiều tồn tại, Bộ đã chủ động tiếp thu, xin rút lại phương án cơ chế điện một giá, tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo