Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm: Sáng mãi ngọn lửa tuổi hai mươi

Chân dung Liệt sĩ – Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ra trong một gia đình tri thức ở Huế, lớn lên tại Hà Nội. Bố là ông Đặng Ngọc Khuê (Huế), bác sĩ ngoại khoa; mẹ là bà Doãn Ngọc Trâm (Quảng Nam), giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội. Gia đình của Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm có 4 người con gái tên Trâm, trong đó Đặng Thùy Trâm là chị cả, sau lần lượt là 3 cô em gái: Phương Trâm; Hiền Trâm và Kim Trâm.

Tuổi thơ của Đặng Thùy Trâm trải qua thời kỳ khốn khó trong những năm kháng chiến. Là người yêu thích văn học, Đặng Thùy Trâm đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ, bị ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách của các nhân vật lý tưởng trong văn học như Pavel Korchagin trong 'Thép đã tôi thế đấy', Ruồi trâu... Đó là những nhân vật mà chất lý tưởng luôn rừng rực trong trái tim tuổi thanh xuân của họ.

Tháng 4/1952, Đặng Thùy Trâm được kết nạp vào Đội Thiếu niên tháng Tám, đến tháng 9/1952, Đồng chí được bầu vào Ban Chỉ huy đội thôn Duy Tình, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Năm 1955 - 1957, Đồng chí theo gia đình về thị xã Thanh Hóa và học tập tại Trường Lam Sơn. Từ tháng 9/1952 cho đến năm 1957, Đặng Thùy Trâm được bầu vào Ban Chỉ huy đội Thiếu niên. Năm 1958, gia đình Đặng Thùy Trâm chuyển ra Hà Nội, Đồng chí học cấp 3 tại Trường Chu Văn An. Ngày 1/4/1960, Đồng chí được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Lao động tại Chi đoàn lớp 9C của Trường. Niên khóa 1960-1961, Đồng chí được công nhận là Đoàn viên ưu tú của Trường Chu Văn An.

Trong thời gian học tập ở trường phổ thông, Đặng Thùy Trâm được khen thưởng rất nhiều lần. Cuối niên khóa 1955 - 1956 và niên khóa 1956 - 1957, hai lần, Đồng chí được nhà trường tặng giấy khen về công tác văn nghệ. Niên khóa 1958 - 1959, Đồng chí được Sở Giáo dục Hà Nội tặng bằng khen về công tác bổ túc văn hóa. Cuối niên khóa 1959 - 1960, Đặng Thùy Trâm tiếp tục được tặng giấy khen về thành tích học tập và công tác. Cuối niên khóa 1960 - 1961, Đoàn trường khen: Đoàn viên ưu tú.

Năm 1961, nối nghiệp gia đình, Đặng Thùy Trâm thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Suốt thời gian học ở trường, Đồng chí luôn tích cực học tập công tác, xung phong gương mẫu thực hiện công tác của trường, lớp và Chi bộ. Tháng 4/1965, Đặng Thùy Trâm được công nhận là quần chúng tích cực của Đảng, tháng 2/1966, Đồng chí được công nhận là đối tượng bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng của Chi bộ Y5 CKB.

Từ năm 1961 đến 1966, đồng chí Đặng Thùy Trâm được nhà trường tặng giấy khen về thành tích học tập, hai lần Đồng chí được Đoàn trường tặng bằng khen Đoàn viên ưu tú, tặng huy hiệu “Đoàn viên Điện Biên Ấp Bắc” và huy hiệu “Đoàn viên Thanh niên 3 sẵn sàng”. Ngoài ra, 2 lần Đồng chí còn được Trường Đại học Y khoa tặng bằng khen Sinh viên tiên tiến và một lần khen vì “Tích cực học tập và công tác”.

Thẻ sinh viên của bác sĩ Đặng Thùy Trâm – trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh tư liệu Thẻ sinh viên của bác sĩ Đặng Thùy Trâm – trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Tháng 6/1966, với những thành tích học tập và hoạt động xuất sắc, đồng chí Đặng Thùy Trâm được Trường Đại học Y khoa Hà Nội cho tốt nghiệp sớm hơn một năm với tấm bằng hạng ưu. Sau khi tốt nghiệp, Đồng chí tình nguyện vượt Trường Sơn vào công tác tại chiến trường Quảng Ngãi. Lúc này nếu ở Hà Nội, đồng chí Đặng Thùy Trâm có thể tìm được cho mình một công việc tốt theo đúng ngành nghề. Nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam, nơi những chiến sĩ đang chiến đấu ác liệt nhất, anh dũng nhất.

Tháng 3/1967, vừa vào đến Quảng Ngãi, đồng chí Đặng Thùy Trâm được phân công phụ trách Bệnh xá Đức Phổ, Quảng Ngãi - thực chất đây là một bệnh xá tiền phương. Từ tháng 4/1967 đến tháng 5/1970, đồng chí Đặng Thùy Trâm là Bệnh xá trưởng Bệnh xá Đức Phổ. Suốt thời gian ấy, Đồng chí đã cùng với các đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng nghìn thương binh và nhân dân Đức Phổ; đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở.

Với những cống hiến, ngày 27/9/1968, đồng chí Đặng Thùy Trâm được kết nạp vào Đảng. Trong bản tự nhận xét của mình, Đồng chí viết: “Tha thiết yêu Đảng, yêu Đoàn. Cần phải nỗ lực nhiều để đền đáp công ơn của Đảng. Đối với bạn, với đồng chí luôn quan tâm giúp đỡ và thực hiện đấu tranh phê bình tốt. Tích cực, có nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác. Rèn luyện tu dưỡng thường xuyên”.

Ngày 22/6/1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, Bệnh xá Đức Phổ bị lính Mỹ tập kích và đồng chí Đặng Thùy Trâm anh dũng hy sinh khi chưa tròn 28 tuổi đời. Đặng Thùy Trâm đã ngoan cường chiến đấu như tinh thần của Mariuyt, của Gavơrốt trên chiến lũy thành Paris mà Đồng chí từng ngưỡng mộ.

Sau khi tập kích bắn phá Bệnh xá Đức Phổ, Fredric Whitehurst - một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi tìm thấy một cuốn sổ tay được bọc bằng vải, định châm lửa đốt nhưng người thông dịch của ông đã cản: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!". Nghe lời khuyên, người lính Mỹ ấy đã không đốt quyển sổ tay. Đó là cuốn nhật ký của một nữ chiến sĩ, một bác sĩ có cái tên thật đẹp: Đặng Thùy Trâm.

Đồng chí Đặng Thùy Trâm và thế hệ cầm súng của Đồng chí mãi mãi tỏa sáng tuổi 20. Trong cuốn nhật ký ghi ngày 6/1/1970, Đồng chí đã viết: “Hãy rèn giũa phẩm chất của một người Đảng viên nghe Th. (tức là Thùy, đồng chí Đặng Thùy Trâm tự xưng; viết tắt trong nguyên bản). Cuộc đời Th. là một cuốn sổ, những dòng chữ ghi trên đó đẹp như một bài ca nhỏ. Xin Th. hãy ghi tiếp những dòng xứng đáng. Hãy hứa trước tòa án lương tâm đi Th. nhé. Th. sẽ giữ trọn tất cả những gì cao quý của một người Đảng viên, một người trí thức…”.

Trong nhật ký của mình, Đặng Thùy Trâm đã thể hiện một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời Đồng chí, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội. Khi đứng lớp giảng bài cho học sinh của lớp y tá sơ cấp, xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập, đồng chí Đặng Thùy Trâm đã tâm sự: “Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được”. Đồng chí đau đáu lo lắng cho anh em, đồng bào, đồng chí trong suốt những đêm thâu; lòng quặn đau khi bom đạn chiến tranh tàn phá hủy diệt quê hương, giết chóc nhân dân mình. Trong một bài thơ, đồng chí Đặng Thùy Trâm đã từng viết:

“Tôi đứng đây giữa núi rừng lộng gió

Mưa đan dày trùm cả rừng cây

Nghe gió mùa đông bắc thổi về đây

Lòng bỗng thấy nhớ thương da diết.

Ơi những người thân yêu ở nơi xa có biết

Tôi nghĩ gì trong giá lạnh chiều nay

Chiều nay…

Ai đi giữa hàng cây

Trên những con đường thênh thang của trái tim Tổ quốc.

Ai biết chăng dù ta có chết

Cho ngày mai, cho đất nước tự do

Thì trong ta vẫn trọn niềm mơ

Và trọn vẹn cả tình thương chung thủy…”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình êm ấm, tràn ngập yêu thương, nhưng người bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm đã dũng cảm dấn thân nơi chiến trường bom đạn, vì nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, với đồng bào. Trong triền miên nỗi nhớ nhà, vị bác sĩ này vẫn luôn mong ước đến ngày hòa bình, sum họp chỉ để được ngả vào lòng mẹ. Nhưng cô gái đã ngã xuống, không bao giờ thực hiện được ước mơ đơn giản, rất đỗi con người ấy.

Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (bìa phải) cùng các y, bác sĩ tại Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi. (Ảnh tư liệu) Bác sĩ Đặng Thùy Trâm (bìa phải) cùng các y, bác sĩ tại Trạm xá Đức Phổ, Quảng Ngãi. (Ảnh tư liệu)

Cuối tháng 4/2005, hai cuốn sổ tay là tập nhật ký Đặng Thùy Trâm được viết từ ngày 8/4/1968 đến ngày 20/6/1970 (từ khi phụ trách bệnh xá Đức Phổ đến 2 ngày trước khi hy sinh) đã được Frederic Whitehurst, cựu sĩ quan Mỹ, lưu giữ sau 35 năm đã được trả lại cho gia đình Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Sau đó, vào tháng 7/2005, nhật ký của Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã được nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn biên tập thành sách mang tên Nhật ký Đặng Thùy Trâm, do NXB Hội Nhà Văn Việt Nam phát hành và trở thành một hiện tượng văn học với hơn 400.000 bản được bán. Cuốn sách đã được dịch ra khoảng 20 thứ tiếng và được báo chí nước ngoài bình luận như một “Nhật ký Anne Frank của Việt Nam”.

Khi còn là học sinh, Đặng Thùy Trâm mơ ước được làm cô giáo dạy văn đưa cái hay, cái đẹp vào tâm hồn trẻ và ví việc đó như sứ mệnh của một kỹ sư tâm hồn. Giờ đây, Nhật ký Đặng Thùy Trâm được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận. Đặng Thùy Trâm đã trở thành người kỹ sư tâm hồn và với mỗi chúng ta tâm hồn ấy sống mãi, ngọn lửa từ trái tim đầy nhiệt huyết và yêu thương của cô sẽ còn mãi. Từ khi cuốn nhật ký được biết đến, đã có biết bao cuộc vận động, bao phong trào ý nghĩa được phát động để người trẻ hôm nay học tập và noi gương người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất.

Ghi nhớ công lao của Liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm, năm 2006 Nhà nước ta đã truy tặng Đồng chí danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên của Đồng chí được đặt cho một trạm xá tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Bộ phim Đừng Đốt do Đặng Nhật Minh làm đạo diễn được dựng lên từ Nhật ký Đặng Thùy Trâm, trong đó đồng chí Đặng Thùy Trâm là nhân vật trung tâm của bộ phim. Ngoài ra, tên của đồng chí Đặng Thùy Trâm còn được đặt cho một con đường ở Quận 8 và một con đường ven sông ở quận Bình Thạnh, TPHCM.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo