Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam

(Thanhuytphcm.vn) - Tình hình Biển Đông, quản lý internet và mạng xã hội hiện nay là những vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đề cập trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/10.

Gắn kết chặt chẽ thế trận giữa các lĩnh vực

Các ĐBQH bày tỏ tán thành với đường hướng, biện pháp giải quyết vấn đề trên Biển Đông của Trung ương và Chính phủ từ tháng 7/2019 đến nay; đồng thời cho rằng, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến tình hình quốc phòng - an ninh, đối ngoại và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lần đầu tiên tại phiên khai mạc của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định điều này và ở khổ đầu tiên của báo cáo kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định về việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trước tình hình bất ổn của các nước lớn và khu vực Biển Đông bị đe dọa an ninh nghiêm trọng, nhưng với chủ trương đúng đắn, Việt Nam rất thành công trong công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác đối ngoại song phương, đa phương, tạo thế và lực mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Ở trong nước, tuy có nhiều lo lắng, bức xúc trước chủ quyền biển đảo của đất nước bị xâm phạm nghiêm trọng từ ngày 4/7 đến ngày 24/10, song cử tri và nhân dân cả nước luôn tin tưởng, đánh giá cao trách nhiệm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, MTTQ, lực lượng vũ trang nhân dân luôn kiên định, nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, chúng ta không bao giờ nhân nhượng.

Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng 31/10 Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng 31/10

Từ khẳng định nhất quán đó đã có những hành động kiên quyết duy trì bình tĩnh, khôn khéo, xử lý đồng bộ, hiệu quả các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, giữ được môi trường hòa bình trong khu vực và Biển Đông, tạo điều kiện ổn định trong nước để thu hút đầu tư, du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: Đảng, Nhà nước, nhân dân ta luôn quan tâm, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo. Các lực lượng thực thi nhiệm vụ đã thực hiện đúng đường lối quan điểm của Đảng và đối sách của Đảng, đó là kiên quyết, kiên trì bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để giữ vững độc lập chủ quyền, quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế và lợi ích quốc gia dân tộc; đồng thời giữ được môi trường hòa bình, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế và xã hội.

Theo nhiều ĐBQH, vừa qua, trong dư luận người dân cũng có hiến kế, Đảng, Nhà nước ta luôn luôn lắng nghe những ý kiến chính đáng và tâm huyết của nhân dân, đồng thời Đảng, Nhà nước cũng phải kiên trì, kế thừa truyền thống văn hóa giữ nước của cha ông. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, những vấn đề thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là chúng ta quyết không nhân nhượng, nhưng chúng ta phải có đối sách phù hợp, bởi truyền thống văn hóa giữ nước của chúng ta là hòa hiếu, hòa bình, đường lối quan điểm đó là đúng đắn.

Hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước

Giải trình tại phiên thảo luận về tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức, lối sống, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sự phát triển văn hóa hiện đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống cá nhân, ích kỷ, tệ nạn xã hội… đó là những vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức tác động hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Vì vậy, để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, cần tập trung nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

“Để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa con người Việt Nam, gia đình nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách, văn hóa, giáo dục lối sống cho con người, để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên, cái xấu, cái ác được loại trừ. Để văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ xã hội, phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân, cộng đồng tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sỹ với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử…” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội

Nhiều phân tích sâu sắc trên phương diện kinh tế đã được các đại biểu Quốc hội TPHCM đưa ra trong phiên Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng 31/10. Nhìn từ góc độ phương pháp luận đánh giá GDP, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng phát triển bền vững của Việt Nam phải dựa trên 3 yếu tố trụ cột là nâng cao văn hóa (phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới), bảo vệ môi trường (môi trường thiên nhiên, không khí, đất, nước, rừng biển, không trung, mặt đất, lòng đất và bảo vệ môi trường xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo) và bảo tồn di sản (gồm di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa). Phát triển đất nước bền vững là song song với tạo ra tài sản, giá trị vật chất, phải định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành, các vùng miền vào 3 trụ cột này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, công nghệ là tiêu chí hàng đầu trong thu hút FDI Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, công nghệ là tiêu chí hàng đầu trong thu hút FDI

Thể hiện sự đồng tình và chung vui với những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội của nước ta trong năm 2019, tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương khi cấp phép thu hút đầu tư nước ngoài cần quan tâm yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, công nghệ là tiêu chí hàng đầu, theo đúng định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị, để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững. Đồng thời, cần tiếp tục dành nguồn lực cho việc xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ, ổn định, khởi động sớm việc xây dựng thể chế có liên quan đến cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý có hiệu quả mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo; hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ do người Việt Nam tạo ra trên thế giới và tiếp tục hoàn thiện thể chế vùng, giúp cho các tỉnh trong vùng liên kết, hỗ trợ nhau phát triển.

Còn đại biểu Phạm Phú Quốc đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, theo đó, cần cải cách thủ tục hành chính thực chất, tháo gỡ các quy định chồng chéo giữa các luật, đầu tư và nuôi dưỡng môi trường khởi nghiệp, tạo lập phát triển thị trường vốn, tăng cường các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Để tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đưa vốn vào nền kinh tế, Quốc hội cần nghiên cứu và ban hành luật bảo vệ nhà đầu tư, bảo vệ doanh nghiệp thay vì các quy định rời rạc trong nhiều văn bản hiện nay.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo