Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Quang cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 48, sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2020 của Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Báo cáo về công tác phòng chống tội phạm, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp, Hội nghị cấp cao ASEAN, các mục tiêu, sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội, đối ngoại quan trọng của đất nước, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam.

Trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,04% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ...

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an

Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và vi phạm trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước, Thứ trưởng Công an cho hay thời gian qua đã xử lý dứt điểm một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài. Lực lượng chức năng đã phát hiện 17.887 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 25,19%). Khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.

Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương lưu ý, tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

Về kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 56 người, xử lý hình sự 64 người vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ; kiến nghị thu hồi và bồi thường gần 43 tỷ đồng, đã được thu hồi và bồi thường gần 23 tỷ đồng. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 26.732 lượt cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng của (tăng 34% so với năm 2019). Năm 2020, có 3 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 31,8 triệu đồng. Việc kê khai tài sản, thu nhập liên quan đến nhân sự chủ chốt phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã được tiến hành nghiêm túc.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái

Về kết thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài việc xử phạt hành chính, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính hàng ngàn tập thể, cá nhân, ngành thanh tra còn chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng. Riêng Thanh tra Chính phủ, chuyển cơ quan điều tra 14 vụ việc. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan chức năng để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Cụ thể là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến…

Trong năm, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019). Trong đó, 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Kết quả điều tra và xử lý tham nhũng thuộc Bộ Quốc phòng đã điều tra và xử lý 4 vụ với số tiền thiệt hại hơn 27,7 tỷ đồng; số tiền thu hồi được trong giai đoạn điều tra 2,16 tỷ đồng; đã khởi tố điều tra: 4 vụ/4 bị can; chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 3 vụ/3 bị can; đang điều tra 1 vụ/1 bị can.

Theo Thanh tra Chính phủ, tình hình tội phạm tham nhũng có liên quan đến Quân đội cơ bản đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước. Điều này được cán bộ, đảng viên, nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo