Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Khai mạc phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 15/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 35. Dự kiến, phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra đến ngày 17/7.

Cho ý kiến về 4 dự án Luật

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của 4 dự án Luật gồm: Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; đồng thời cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Quốc hội điện tử giai đoạn 2019-2026, việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xem xét, quyết định thành lập phường Lộc Hòa và phường Mỹ Xá thuộc thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; thành lập thị trấn Măng Đen thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, tuy thời gian không nhiều nhưng với tinh thần phối hợp chặt chẽ, tích cực nghiên cứu chuẩn bị của các cơ quan hữu quan, đến nay đã có 4 dự án Luật được tiếp thu, chỉnh lý để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phát huy tinh thần chủ động trong việc chuẩn bị cho các phiên họp tiếp theo.

Quang cảnh phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quang cảnh phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề nghị thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn xuất cảnh sát với thực tiễn

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, được Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư. Mặt khác, người lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp này có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ. Tuy nhiên, dự thảo Luật Chính phủ trình chưa quy định chức năng của Dân quân tự vệ trong bảo vệ doanh nghiệp. Do đó, Điều 5 dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân; là lực lượng bảo vệ Đảng, chính quyền, tính mạng, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương, cơ sở; làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh”.

Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, theo ông Võ Trọng Việt, một số ý kiến đề nghị bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với người liên quan đến vụ án đang trong quá trình điều tra, người đang bị thanh tra, kiểm tra mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, cần ngăn chặn người đó trốn. Ngoài ra, các trường hợp như công dân thuộc diện gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt; người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án; người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đóng bảo hiểm xã hội cũng cần bổ sung vào diện tạm hoãn xuất cảnh.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, đây là nội dung có liên quan trực tiếp đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan đến quốc phòng, an ninh, sức khỏe cộng đồng, là nội dung quan trọng của dự thảo luật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban này đề nghị thu hẹp diện các đối tượng bị tạm hoãn cho sát hợp với thực tiễn; quy định chặt chẽ hơn các trường hợp bị tạm hoãn để tránh việc lạm dụng, lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền công dân… Theo đó, bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn” và “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cũng đề nghị lược bỏ quy định tại khoản 2 vì mâu thuẫn với luật Tương trợ tư pháp (không dẫn độ công dân Việt Nam ra nước ngoài); lược bỏ quy định “Người có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” tại khoản 5, vì nội dung quá rộng, thời hạn chấp hành ngắn (10 ngày) và nếu bị tạm hoãn xuất cảnh (tước quyền công dân) thì quá nghiêm khắc, không cần thiết.

Đề nghị rà soát kỹ lại các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh quy định trong dự luật vì liên quan đến quyền công dân, liên quan tới một nhóm luật đặc biệt là các luật tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, các trường hợp người chấp hành án hình sự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, bản chất những trường hợp này là chấp hành án hình sự. Người đã có bản án tù kể cả chưa chấp hành thì dứt khoát không được xuất cảnh. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị rà soát lại nhóm bị tạm hoãn xuất cảnh là "người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài thương mại đang có hiệu lực pháp luật, trừ các trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh theo quy định pháp luật thi hành án dân sự" bởi những trường hợp có thể không bị xem xét tạm hoãn. Đồng thời rà soát để quy định làm sao đó để tránh tùy tiện lạm dụng trong thực tế hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo