Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Khai mạc phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

​Toàn cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 14/5, phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc và sẽ diễn ra đến hết thứ Tư, ngày 16/5. Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã nghe các báo cáo và cho ý kiến về các dự thảo báo cáo và báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 và báo cáo về ngân sách nhà nước trong cùng kỳ.

Thêm nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2017, trong số 13 chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua, có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Như vậy, tổng cộng đã có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn kế hoạch, gồm tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị. Có 4/13 chỉ tiêu không thay đổi và 2/13 chỉ tiêu đạt thấp hơn số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và chỉ tiêu giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên 1 đơn vị GDP.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội một mặt ghi nhận những mặt tích cực như đã nêu, mặt khác, thẳng thắn chỉ ra rằng các trụ cột tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững; mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét: tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của đầu tư nước ngoài; xuất khẩu từ đầu tư nước ngoài vẫn chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu; tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm; kết quả cổ phần hóa DNNN chưa đạt mục tiêu. Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực gia tăng.

Về ngân sách, phần tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương, ngân sách trung ương hụt thu, không thực hiện được vai trò chủ đạo. Thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững, thu từ cả 3 khối doanh nghiệp đều thấp so với dự toán và số đã báo cáo Quốc hội. Mặc dù việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được triển khai tích cực, nhưng số nợ xấu cần xử lý còn khá lớn; môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp…

Thu ngân sách nhà nước không còn nhiều dư địa tăng

Vẫn theo dự thảo Báo cáo thẩm tra, kinh tế quý I/2018 với sự bứt phá về GDP tăng 7,38% đem lại kỳ vọng lớn nhưng cũng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại của năm, trong bối cảnh tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước, quý sau cao hơn quý trước. Trong khi đó, áp lực lạm phát còn tiềm ẩn.

Thêm vào đó, việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và nợ công vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thu NSNN không còn nhiều dư địa tăng; huy động vốn vay cho cân đối ngân sách và huy động nguồn vốn từ xã hội còn bất cập, chưa hết tiềm năng. Tiến độ các khoản thu không đồng đều, một số khoản thu dù tăng nhưng chưa bảo đảm tiến độ dự toán…

Trong số các vấn đề xã hội, nổi lên là tình trạng bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, y bác sỹ, thái độ của giáo viên với học sinh; hiệu quả trong tuyển sinh đại học, chế độ cho giáo viên. Chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu, chưa tương xứng với lộ trình tăng giá, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Việc chậm xử lý sai phạm trong lĩnh vực y tế cùng với việc phát hiện các vụ sản xuất giả thuốc phòng, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại trong dư luận…

Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo đậm nét hơn về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, lãng phí; bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; trong quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước. Chính phủ cũng cần giải trình thêm về công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; kết quả xử lý 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Phát biểu về tình hình kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ băn khoăn: “Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đều thừa nhận tăng trưởng chưa bền vững, nhưng chưa thấy những động thái dứt khoát, kịp thời để thay đổi mô hình tăng trưởng trong bối cảnh vốn và lao động không còn là thế mạnh cạnh tranh trong thời đại 4.0”.

Đảm bảo sự bình an cho người dân

Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH bày tỏ quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội nổi cộm trong thời gian qua, như an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, tai nạn giao thông…

Đề cập đến công tác quản lý tài sản công, đất công tại một số đô thị lớn trong cả nước như Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn: “Qua các vụ việc tiêu cực đã phát hiện, Chính phủ đã phân tích, rút kinh nghiệm như thế nào”? Trong thời gian tới, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý đến giải pháp kiểm soát rốt ráo, ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi đất đai tại nhiều khu vực (như ở 3 đặc khu, hoặc ở Đồng Nai).

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng vừa qua tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội đã nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. “Tại TPHCM hôm qua đã xảy ra vụ cướp xe máy mà kẻ cướp hung hãn đâm chết 3 người, làm bị thương nhiều người khác. Phải cương quyết xử lý, không để nhân dân cảm thấy bất an, cảm thấy không được bảo vệ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm đối với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy về tội dâm ô trẻ em để đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan của pháp luật trong bối cảnh tình trạng xâm hại trẻ em đang có chiều hướng gia tăng, trở thành vấn đề xã hội nhức nhối.

“Bản án xử phúc thẩm cho ông Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô trẻ em được hưởng án treo đã khiến dư luận rất bức xúc. Chúng tôi đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao kiểm tra lại để xử lý theo thẩm quyền. Dư luận nói là tại sao lại lấy tình tiết đã từng là cán bộ ngân hàng, đã từng là đảng viên để giảm án? Cái đó không đúng. Còn việc bị cáo đã trên 70 tuổi thì chỉ được giảm một mức độ chứ không thể chuyển từ tù giam sang án treo. Đã là tuổi cao thì càng phải gương mẫu” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Ngọc Khánh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo