Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là bước đi ưu tiên trong cải cách tư pháp

Đại biểu Nguyễn Tạo

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, sáng 26/11, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Các ý kiến cho rằng, cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vì đây là một cơ chế pháp lý mới, một chế định nhân văn, ưu việt, giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp một cách văn minh, thân thiện và lịch sự mà không phải mở phiên tòa xét xử. Bản chất của các vụ việc dân sự là sự tự nguyện của hai bên, nên việc hòa giải, đối thoại thành công trước khi tòa án thụ lý sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề, xóa được vướng mắc của các cá nhân trong các tranh chấp. Qua việc thí điểm của tòa án ở 16 tỉnh, thành cho thấy kết quả hòa giải thành công hơn 78% vụ việc là tỷ lệ rất cao.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, đối với các tranh chấp dân sự, công lý không chỉ là tuyên ai thắng, ai thua, mà còn cần các cơ chế để người dân hòa giải được với nhau. Do đó, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là bước đi ưu tiên trong cải cách tư pháp của nước ta trong thời gian tới. Và điều này phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít vấn đề trong dự thảo luật khiến các đại biểu băn khoăn đề nghị ban soạn thảo làm rõ, trong đó quy định về phương thức tiến hành hòa giải, đối thoại, địa vị pháp lý của đội ngũ hòa giải viên. Nhiều ý kiến đặt câu hỏi hòa giải viên phải là “cái cánh tay nối dài của tòa án hay không”. Theo các đại biểu, hòa giải viên không phải là một chức danh tư pháp nhưng lại do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ nhiệm, do tòa án quản lý, vì vậy cần phải làm rõ địa vị của hòa giải viên và có sự phân biệt với các hòa giải viên khác; cần ghi rõ là hòa giải viên của tòa án để xác định rõ trách nhiệm, địa vị pháp lý của hòa giải viên, tiêu chuẩn của hòa giải viên để quá trình thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.

Dự thảo luật thiết kế theo hướng về địa điểm có thể linh hoạt, do các bên chủ động lựa chọn. Một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp, đã là hòa giải, đối thoại tại tòa án thì việc này phải được tổ chức tại tòa án để đảm bảo tính minh bạch, công khai, khách quan; đồng thời tuân thủ các quy định để hạn chế các tranh chấp về sau hoặc các vấn đề phát sinh theo yêu cầu bảo mật thông tin.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), Điều 18 dự thảo luật quy định, việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở tòa án hoặc ngoài trụ sở tòa án. Trường hợp các bên thống nhất lựa chọn địa điểm tiến hành hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án thì phải chịu chi phí. Quy định các bên thống nhất lựa chọn địa điểm tiến hành hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở tòa án là chưa chặt chẽ. Cần phải quy định rõ quan hệ tranh chấp, khiếu kiện nào thì cho phép các bên thống nhất tổ chức tổ chức hòa giải, đối thoại tại trụ sở tòa án. Địa điểm bên ngoài trụ sở tòa án cũng phải hạn chế và bảo đảm sự an toàn, nghiêm túc, bảo đảm thuận lợi cho các bên…

Đại biểu Hoàng Văn Hùng Đại biểu Hoàng Văn Hùng

Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhận định, hòa giải, đối thoại theo luật này không nằm trong tố tụng nhưng kết quả hòa giải, đối thoại lại được nhà nước công nhận và đảm bảo thực hiện bằng quyết định của tòa án, vì vậy, để đảm bảo quá trình hòa giải, đối ngoại được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đúng quy định, đại biểu đề nghị quy định việc hòa giải, đối thoại tiến hành tại trụ sở tòa án theo đúng như tên gọi của luật, không nên cho các bên tự lựa chọn địa điểm hòa giải. Việc tiến hành hòa giải ngoài trụ sở tòa án chỉ được thực hiện trong các trường hợp đặc biệt, cần được quy định cụ thể như ốm đau, tai nạn, không thể đến tòa được.

Nhiều ý kiến cũng tán thành với dự thảo luật về việc nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án bởi hòa giải thành là điều rất tốt. Để một cơ chế pháp lý mới đi vào cuộc sống và đồng thời để cho đương sự, nhân dân lựa chọn cơ chế văn minh, lịch sự này, trong giai đoạn hiện nay, nhà nước hỗ trợ kinh phí là hoàn toàn phù hợp, cũng giống như việc hỗ trợ cho các cơ chế hòa giải trong các lĩnh vực khác. Song, cũng có ý kiến đại biểu đề nghị nên hạn chế, với những vụ hòa giải, tranh chấp kinh doanh thương mại thì nên thu phí. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, nhiều nước để khuyến khích người dân hòa giải, đối thoại tại tòa án, đã không thu phí hòa giải. Có nước thì thu phí thấp hơn nhiều so với án xét xử tại tòa…

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo