Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giáo dục Việt Nam 2020: Nhiều việc lớn phải làm

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chú trọng đào tạo sau đại học.

(Thanhuytphcm.vn) - Năm 2019, ngành giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả tích cực. Không ít sự kiện và kết quả rất quan trọng, lần đầu tiên diễn ra, trở thành bước chạy đà quan trọng cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT). Và năm 2020, ngành giáo dục còn quá nhiều việc lớn phải làm...

Nhiều vấn đề lớn đã được giải quyết

Năm 2019, Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội thông qua đã từng bước tháo gỡ “nút thắt” phát triển giáo dục. Cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH) cũng được thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Việc hai Luật được Quốc hội thông qua thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ và Bộ GD-ĐT trong việc thể chế hóa các quan điểm và định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển giáo dục, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực này. Cũng trong năm 2019, Bộ GD-ĐT đã công bố sách giáo khoa lớp 1 mới, tích cực chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021. Bộ GD-ĐT cũng đã hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 88 của Quốc hội đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ và linh hoạt.

Đặc biệt, năm 2019, Bộ GD-ĐT hoàn thành xây dựng và công bố cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục. Đây là lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu đầy đủ thông tin của gần 53.000 trường học, 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục và gần 23 triệu hồ sơ học sinh, sinh viên được công bố; đồng thời là kho dữ liệu hữu ích phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và thực thi các chính sách quản lý ngành có hiệu quả. Nguồn dữ liệu này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý ra các quyết định tuyển dụng, sử dụng hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập trong quản lý, sử dụng đội ngũ giáo viên hiện nay. Toàn ngành đã xây dựng được hệ thống kho học liệu điện tử với 5.000 bài giảng e-learning có chất lượng, đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa.

Có thể nói, bức tranh toàn cảnh của giáo dục nước nhà trong năm 2019 đã có những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn gam trầm, những bất cập, khó khăn và tồn tại cần thời gian và sự quyết tâm của ngành, sự đồng lòng, chung sức chung tay của toàn xã hội để giải quyết. Vì vậy, năm 2020, ngành giáo dục vẫn còn quá nhiều việc lớn phải làm. Trong đó, trước tiên là việc triển khai SGK lớp 1 mới cần bảo đảm hiệu quả, làm tiền đề cho thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiện tại, theo TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT tích cực chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1, Bộ GD-ĐT đã và đang tập trung bồi dưỡng cho 4 nhóm đối tượng là giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên phổ thông, hiệu trưởng các trường phổ thông và cán bộ quản lý cấp sở/phòng GD-ĐT. Bộ cũng đã xây dựng và ban hành các chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, tiêu chí và phù hợp hơn với thực tiễn. “Nhằm tăng cường cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong năm học 2018-2019 có hơn 14.308 phòng học được bổ sung mới. Các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới trường, lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày”, TS Thái Văn Tài cho hay.

Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TPHCM tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh. Sinh viên Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG TPHCM tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh.

Giáo dục đại học - Cơ hội để đột phá chất lượng

Ngày 12/9/2019, tuần san Times Higher Education (THE) chính thức công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên, và lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia TPHCM trong nhóm 1.000+. Tiếp đó, ngày 27/11/2019, theo kết quả chính thức do QS công bố tại hội thảo QS APPLE Conference 2019 tại Fukuoka, Nhật Bản, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 của bảng xếp hạng các trường đại học châu Á của QS năm 2020. Năm 2013, Việt Nam chỉ có 2 đơn vị là Đại học quốc gia Hà Nội và TPHCM có tên trong nhóm 201+ của bảng xếp hạng. Sau 6 năm, Việt Nam đã có thêm 5 trường đại học được xếp hạng.

Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, việc ngày càng có nhiều các cơ sở GDĐH của Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế có uy tín, trong đó bắt đầu có các cơ sở GDĐH tư thục là tín hiệu rất tích cực của GDĐH Việt Nam. Những thành tựu này là sự khích lệ, động lực rất tích cực với các cơ sở GDĐH khác trong nước. Bên cạnh đó, cả nước đã có 123 cơ sở GDĐH và 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt chuẩn sau khi kiểm định. Đây là những tiền đề quan trọng để đại học Việt Nam cất cánh trong thời gian tới.

Thầy và trò ngày càng được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục sáng tạo Thầy và trò ngày càng được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục sáng tạo

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, Nghị định 99 của Chính phủ về triển khai Luật GDĐH mới ban hành cuối năm 2019 đã mở quyền tự chủ cao cho các trường đại học từ năm 2020. Tuy nhiên, tinh thần là mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH rất cao nhưng phải rất gắn trách nhiệm với giải trình. Trách nhiệm giải trình ở đây, trước hết là phải thực hiện các chuẩn. “Luật GDĐH ghi rất rõ chuẩn giáo viên, các quy định về chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo (chuẩn chương trình). Trong chuẩn chương trình có chuẩn đầu ra tối thiểu, đạt ở mức cao và phải đạt kiểm định ở mức cụ thể và các điều kiện đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo. Các chuẩn này phải được công khai minh bạch qua các cơ sở dữ liệu. Các trường đại học, các đại học phải tuân thủ, không được tự ban hành chuẩn chất lượng của mình và phải trên một cái chuẩn đã được Bộ GD-ĐT quy định và luật quy định”, Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nói. Song song đó, năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường kiểm định và kiểm tra giám sát các cơ sở GDĐH thực hiện chuẩn chất lượng và điều kiện đảm bảo chất lượng, để công khai cho xã hội. Phụ huynh và học sinh được biết trường nào chất lượng thật, năng lực đến đâu và trường nào chất lượng không đảm bảo, trên cơ sở đó mọi người sẽ lựa chọn chính xác. Những trường tốt sẽ thu hút người quan tâm. Trường chất lượng kém, không đảm bảo chất lượng hoặc không tuân thủ quy định thì chắc chắn số người học sẽ ít, và nhiều khả năng phải đóng cửa.

Như vậy, GDĐH đã có một hành lang pháp lý mạch lạc, thông suốt để Bộ GD-ĐT có thể quản lý chặt chất lượng đào tạo. Rồi đây, chất lượng đào tạo là tiêu chí, là cái đích mà các trường đại học cần hướng tới. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT cần tạo luật chơi, giám sát, công khai, xử phạt mạnh đơn vị thực hiện sai, khuyến khích và tạo điều kiện tốt cho đơn vị thực hiện tốt để có sự cạnh tranh minh bạch và bình đẳng. Trường đại học chất lượng kém sẽ tự bị thị trường đào thải hoặc bắt buộc phải đổi mới. Đó cũng là vấn đề hết sức quan trọng mà ngành giáo dục phải triển khai trong năm 2020.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo