Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường còn thưa vắng

Học sinh tham quan và học tập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng.

(Thanhuytphcm.vn) - Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học cho học sinh ở nhà trường nhằm hình thành ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa. Song song đó rèn luyện tính chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp học tập; phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng của học sinh… Tuy nhiên, qua ghi nhận, việc giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường hiện nay còn thưa vắng, hiệu quả không cao.

Nhiều trường nỗ lực đưa di sản văn hóa vào giảng dạy

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Quận 10, TPHCM Huỳnh Thanh Phú cho biết, trong hai năm học 2017-2018 đến 2018-2019, nhà trường đã đẩy mạnh đưa các nội dung về di sản văn hóa vào trường học thông qua các hình thức như các chuyến đi về nguồn, học sinh đến học tập và tìm hiểu tại các di tích, tổ chức các chương trình biểu diễn giao lưu với các nghệ sĩ, nghệ nhân gạo cội trong ngành sân khấu dân tộc. Các địa điểm học sinh đã được tiếp cận học tập là Di tích lịch sử - văn hóa Lăng Lê Văn Duyệt tại quận Bình Thạnh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM; Đền thờ vua Hùng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM tại Bến Nhà Rồng... Tại đây, học sinh được nghe các nhà nghiên cứu văn hóa nói chuyện về di tích, tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, câu chuyện về các danh nhân văn hóa, đồng thời cũng được các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn tái hiện về những giai đoạn lịch sử, nhân vật anh hùng, các phong tục tập quán cổ truyền…

“Những buổi trải nghiệm thực tế tại các địa điểm văn hóa này đã khơi gợi trong học sinh nhiều cảm nhận, các em biết trân trọng hơn di sản văn hóa, thể hiện rõ nhất trong các bài viết cảm nhận và thái độ ứng xử khi đến tham quan các di tích này. Đây là những thành công bước đầu, trong thời gian tới nhà trường sẽ nỗ lực tổ chức nhiều hơn các chương trình như vậy để học sinh có được nền tảng kiến thức phong phú hơn, nhằm giáo dục toàn diện cho các em”, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Trường THPT Nguyễn Du TPHCM tổ chức chương trình “Hào khí Việt Nam” nhằm giáo dục truyền thống và đưa loại hình nghệ thuật dân tộc đến với học sinh. Trường THPT Nguyễn Du TPHCM tổ chức chương trình “Hào khí Việt Nam” nhằm giáo dục truyền thống và đưa loại hình nghệ thuật dân tộc đến với học sinh.

Từ nhiều năm học qua, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1 được tiếp cận các hoạt động liên quan đến giáo dục di sản văn hóa. Phó Hiệu trưởng Tống Thị Mai Hương cho hay, nhà trường thường xuyên kết hợp với Bảo tàng Lịch sử TPHCM tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục di sản văn hóa tại trường cũng như đưa học sinh đến bảo tàng. Ngoài ra, học sinh còn đến tham quan, học tập tại Hội trường Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng…

Đánh giá về thái độ tiếp nhận của học sinh, bà Tống Thị Mai Hương cho biết, khi “thoát” ra khỏi sách vở và ghế nhà trường, học tập tại các địa điểm nói trên học sinh rất háo hức, qua đó tiếp thu rất nhiều điều bổ ích, như tinh thần tập thể, nề nếp, tinh thần kỷ luật, biết quan sát thế giới xung quanh, có những hiểu biết cơ bản về giá trị di tích văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng,… Sau các trải nghiệm thực tế đó, trở về với lớp học, các em tươi vui và học tập có tiến bộ hơn.

Chưa tận dụng hết nguồn học liệu từ di sản văn hóa

Tuy nhiên, số lượng trường học tổ chức được các buổi học như trên không nhiều. Theo các trường, việc dạy và học trong những năm qua chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu, khái quát chứ chưa được chú trọng. Bà Tống Thị Mai Hương cho hay, việc xếp thời gian để học các nội dung liên quan đến đưa di sản văn hóa vào nhà trường là cực kỳ khó khăn về mặt thời gian. Do đó, đối với các trường thật sự có tâm huyết, các giáo viên sẽ phải linh hoạt về thời khóa biểu, bố trí dạy bù... Ngoài ra, kinh phí để sử dụng cho việc dạy và học cũng hạn chế, nhiều phụ huynh ngại yếu tố an toàn cho con em nên mỗi lần tổ chức thì phải thuyết phục.

Theo các chuyên gia, chương trình giáo dục trong nhà trường hiện nay quá thiên về truyền thụ kiến thức để phục vụ cho các kỳ thi cử, nên đôi khi các trường ít chú trọng đến các kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc, do đó, việc phối hợp đưa di sản văn hóa vào nhà trường càng bị coi là một hình thức quá mới mẻ, ít được quan tâm. Trong khi đó, số lượng di sản văn hóa hiện nay đa dạng và phong phú nhưng chưa được tận dụng nguồn học liệu này vào chương trình học tập,…

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM cho biết, tính đến tháng 8/2017, TP có 172 di tích đã được xếp hạng: gồm 2 di tích quốc gia đặc biệt (là Di tích lịch sử Dinh Độc lập và Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi); 56 di tích quốc gia; 114 di tích cấp TP. Theo “Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2016 - 2020”, TP hiện có 1 di tích khảo cổ, 71 di tích kiến trúc nghệ thuật và 21 di tích lịch sử. Bên cạnh đó, TPHCM hiện có hệ thống các bảo tàng khá dày đặc, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý, là một thiết chế văn hóa - giáo dục quan trọng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của TP. Di sản văn hóa, dù dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể đều có thể sử dụng trong quá trình giáo dục, là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng nội dung dạy học, giúp cho học sinh hứng thú học tập và hiểu bài sâu sắc hơn. Sắp tới đây, khi có chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới ban hành thì sự thay đổi, bổ sung này là cần thiết.
Anh Huy

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo