Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Giá trị của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam phù hợp các tiêu chí trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại

Nghi thức rước Bà Chúa Xứ từ đỉnh núi Sam về nhập miếu, tại Lễ hội năm 2021.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 16/10, Trường Đại học (ĐH) Văn hóa TPHCM phối hợp cùng UBND TP Châu Đốc, tỉnh An Giang, tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc – An Giang”. Hội thảo được tổ chức trên nền tảng trực tuyến, với sự tham dự của đông đảo đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý,… trong cả nước.   

Mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho biết, Trường đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Di tích Văn hoá, Lịch sử và Du lịch Núi Sam, tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trong 6 tháng đầu năm 2021. Hội thảo tổ chức nhằm mục đích làm rõ hơn các giá trị của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam tỉnh An Giang, nhận diện mặt tích cực và những hạn chế, bất cập trong tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội để đưa ra những định hướng, giải pháp bảo tồn và phát triển lễ hội một cách hài hòa, phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc - An Giang. Đây là lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Lễ hội thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch) hằng năm. Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ túc yết, lễ xây chầu, lễ chánh tế và lễ hồi sắc. Năm 2014, Lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia. Tại Công văn số 4591/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc dự kiến lập hồ sơ các DSVHPVT tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ DSVHPVT Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Hiện UBND tỉnh An Giang và Trường ĐH Văn hoá TPHCM cùng cộng đồng tổ chức Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đang chủ trì việc nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO.

Các ý kiến trao đổi tại hội thảo khá phong phú, đa chiều, tập trung về vấn đề nhận diện giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam; lý luận và thực tiễn bảo tồn và phát huy lễ hội trong bối cảnh hiện tại; gợi mở những giải pháp thiết thực cho hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề cập đến kinh nghiệm thực tiễn ở một số quốc gia là cơ sở tham khảo quan trọng cho việc quản lý, bảo tồn và phát triển Lễ hội. Ngoài ra, những cơ hội và thách thức trong việc xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO cũng được thảo luận.

Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà được tiến hành vào chiều ngày 5/6 (nhằm 25/4 âm lịch), tại Lễ hội năm 2021. Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà được tiến hành vào chiều ngày 5/6 (nhằm 25/4 âm lịch), tại Lễ hội năm 2021.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, khi đề cập đến giá trị bảo tồn và phát huy lễ hội, chúng ta không thể nào không đề cập đến tính độc đáo của nó. Rõ ràng quá trình phát triển lịch sử đặc thù, thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã có nét đặc trưng duy nhất của TP Châu Đốc – An Giang. Bên cạnh đó, Lễ hội có tính phù hợp của thời đại, đó là tính hài hòa và phù hợp với bối cảnh hiện đại ngày nay. “Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực văn hóa cả về học thuật cũng như công tác quản lý. Trường ĐH Văn hóa TPHCM là cơ sở đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa và đã có rất nhiều nghiên cứu học thuật cũng như những khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng kết quả hội thảo sẽ là những thông tin hữu ích cho các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội”, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan bày tỏ.

Theo UBND tỉnh An Giang, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhằm thể hiện lòng tôn kính Bà Chúa Xứ – một trong sáu vị Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Do dân làng Vĩnh Tế tôn sùng Bà như vị thần làng nên các lễ nghi và tế tự trong lễ hội được thực hiện tương tự như lễ cúng Kỳ yên tại các đình làng thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh. Người dân đến dâng lễ, cầu mong Bà phù hộ, độ trì, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cá nhân, gia đình, cộng đồng. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam có sức sống mãnh liệt trong tâm thức và đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư sở tại và là một thực hành nghi lễ quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân trong vùng.

Cần đề cao vai trò cộng đồng trong tham gia Lễ hội

Ông Trương Bá Trạng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL An Giang chia sẻ, công tác quản lý Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế. Lễ hội là vấn đề mang tính tâm linh, nhạy cảm, do cộng đồng làm chủ thể nên trong tổ chức thường phát sinh nhiều vấn đề mà công tác quản lý chưa đáp ứng kịp tình hình thực tế, cũng như chưa có văn bản quy định cụ thể, kịp thời. Sự gia tăng đột biến lượng du khách đến Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam gây ra sự quá tải về không gian tổ chức lễ hội, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tình trạng đốt vàng mã còn nhiều, thắp hương nhiều gây ảnh hưởng đến độ bền vững của di tích và hiện vật. Nhiều du khách thiếu ý thức, xả rác bừa bãi, nên vấn đề rác thải ở khu vực lễ hội và xung quanh di tích cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ngoài ra, ý thức chấp hành nội quy, quy chế gìn giữ tôn nghiêm nơi thờ tự của một số người tham gia lễ hội chưa cao, vẫn còn tình trạng ăn mặc tùy tiện khi đi lễ hội; các hiện tượng mê tín dị đoan, xem bói quanh khu vực núi Sam, tình trạng ăn xin vẫn còn diễn ra vào các mùa cao điểm… Có thể nói, những vấn đề trên đã làm ảnh hưởng đến giá trị chân thực vốn có của lễ hội.

Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến. Các đại biểu tham gia hội thảo trực tuyến.

Nêu ra những khuyến nghị khi lập hồ sơ UNESCO, TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, đối với hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, một trong những thách thức là làm thế nào để nhận diện, miêu tả chính xác chủ thể của di sản và thể hiện vai trò của cộng đồng trong toàn bộ hồ sơ. Đây cũng là vấn đề khó mà các hồ sơ của Việt Nam trước đây đã từng gặp phải, nhất là đối với loại hình lễ hội, một dạng thức di sản tích hợp nhiều loại hình, có rất nhiều người tham gia rất khó nhận diện ai là chủ thể của di sản hiểu theo phạm vi hẹp đúng với tinh thần của khái niệm DSVHPVT.

“Việc xây dựng hồ sơ đề cử Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nên và phải có sự tham gia của các bên: Cộng đồng chủ thể nắm giữ, thực hành di sản, cộng đồng tham gia bảo vệ di sản, cơ quan quản lý, bảo vệ của địa phương, Nhà nước, cơ quan nghiên cứu hỗ trợ, các cơ quan có liên quan của địa phương, các tổ chức phi chính phủ… Vai trò, trách nhiệm, hoạt động của mỗi bên phải được phản ánh trong hồ sơ và việc thực hiện sẽ được đánh giá theo bộ khung/tiêu chí cụ thể của UNESCO trong từng lĩnh vực và hàng năm”, TS Lý nhấn mạnh và chia sẻ thêm, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là sáng tạo văn hóa của cộng đồng, là di sản đã, đang được trao truyền, thực hành từ đời này qua đời khác, là niềm tin, bản sắc của người dân vùng núi Sam nói riêng và tỉnh An Giang, các tỉnh trong khu vực nói chung. “Tôi tin chắc rằng di sản này xứng đáng được ghi danh, tỏa sáng trong bức tranh chung Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, TS Lý bày tỏ.

Cho đến thời điểm này, tại vùng đất phương Nam, ngoài Đờn ca tài tử là di sản duy nhất được UNESCO đưa vào danh mục là DSVHPVT đại diện nhân loại (vào năm 2013), thì Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam (nếu đáp ứng các tiêu chí theo Công ước) cũng sẽ là di sản thứ hai, nhưng đồng thời cũng là lễ hội truyền thống đầu tiên của Nam Bộ được đón nhận danh dự này. Đây chính là thời cơ, là thế mạnh nhưng đi cùng với đó cũng có không ít những thách thức đang tồn tại, cần phải được nhìn nhận rõ để có những biện pháp phát huy, khắc phục và điều chỉnh đúng hướng, nhằm góp phần cùng địa phương và ngành Văn hóa triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này ngày một hiệu quả hơn.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo