Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/5, dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận tại phiên họp.

Qua thẩm tra sơ bộ dự thảo nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội. Việc sửa đổi nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân.

Liên quan đến một số nội dung cụ thể còn ý kiến khác nhau, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên họp toàn thể của Quốc hội là không quá 7 phút nhằm tạo điều kiện cho ĐBQH chủ động trong việc chuẩn bị nội dung phát biểu, có đủ thời gian để phân tích, trình bày lý lẽ bảo vệ quan điểm của mình. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút để giúp mỗi phiên họp có nhiều ĐBQH được phát biểu hơn.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với quy định trong quá trình điều hành thảo luận tại hội trường, chủ tọa có thể linh hoạt điều chỉnh thời gian phát biểu của ĐBQH để bảo đảm chất lượng, hiệu quả thảo luận cũng như để có nhiều đại biểu hơn được tham gia thảo luận. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ và quy định cụ thể các trường hợp chủ tọa có quyền quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu (không quy định chung là “khi cần thiết” nhằm bảo đảm minh bạch, thống nhất trong quá trình thực hiện).

Cũng có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định việc rút ngắn thời gian phát biểu của ĐBQH vì ảnh hưởng đến quyền của ĐBQH và việc rút ngắn thời gian phát biểu sẽ ảnh hưởng đến nội dung, chất lượng phát biểu của ĐBQH.

Liên quan đến việc bổ sung quy định về kỳ họp bất thường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với việc cần phải có các quy định đặc thù về thời hạn thực hiện một số quy trình, thủ tục để bảo đảm tính khả thi. Việc tổ chức kỳ họp bất thường chủ yếu là để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn, thời gian triệu tập gấp hơn thường lệ (chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, so với kỳ họp thường lệ là 30 ngày), thời gian tiến hành kỳ họp ngắn. Do đó, ngoài các quy định đặc thù về thời hạn gửi tài liệu, cũng cần tiếp tục rà soát để bổ sung các quy định cụ thể, cần thiết khác. Trường hợp cần thiết, nội dung này có thể giao UBTVQH quy định chi tiết để phù hợp với thực tiễn tổ chức kỳ họp bất thường.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, không nên rút ngắn thời gian phát biểu xuống còn 5 phút, vì như thế là quá ngắn để ĐBQH có thể lập luận đầy đủ vấn đề cần nói. Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị giữ thời gian phát biểu dành cho ĐBQH là 7 phút. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đề nghị vẫn đặt quy định là 7 phút nhưng nên có quy định linh hoạt, ví dụ như dành 10-15 phút cho các đại biểu là chuyên gia để họ phát biểu sâu hơn về vấn đề.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tính công khai, minh bạch trong các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp; đưa hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó, gần gũi với Nhân dân. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần cân nhắc quy quy định ĐBQH không được chất vấn quá 2 lần trong buổi chất vấn có hợp lý không, trong khi chúng ta đang muốn có một Quốc hội tranh luận. Ngược lại, cũng phải tính toán làm thế nào để quyền phát biểu của ĐBQH không ảnh hưởng đến công tác điều hành kỳ họp.

Cùng ngày, UBTVQH cũng đã họp kín về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo