Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Động lực phát triển của TPHCM là nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc tế với quy mô lớn

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị của Ban Kinh tế Trung ương ngày 17/1

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 17/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Kinh tế Trung ương. Hội nghị do Ủy viên bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình chủ trì. Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu chia sẽ về thực tiễn và kinh nghiệm phát triển kinh tế của TPHCM…

Xây dựng một khu đô thị sáng tạo tương tác cao

Mở đầu, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, TPHCM thường xuyên trao đổi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2019. Đặc biệt, năm 2017, Ban Kinh tế Trung ương có vai trò vô cùng quan trọng khi Thành phố báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị sau 5 năm, trên cơ sở đó, Bộ Chính trị có Nghị quyết 21 tiếp tục phát triển TPHCM và Quốc hội có Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù. “Thời điểm đó, cùng với các bộ ngành, Ban Kinh tế Trung ương đã có đóng góp rất quan trọng. Sắp tới, theo phân công của Bộ Chính trị, TPHCM cũng sẽ chuẩn bị đề án điều chỉnh tỷ lệ phân chia ngân sách, Ban Kinh tế Trung ương cũng là cơ quan của Đảng góp phần với TPHCM xây dựng báo cáo thẩm định để báo cáo Bộ Chính trị” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Chia sẻ về các vấn đề là động lực phát triển kinh tế của TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thực tế ở hầu hết các nước đang phát triển hiện nay, dân số đang giảm, thiếu lao động. Bởi vậy, lợi thế rất quan trọng là TPHCM có nguồn lao động dồi dào chất lượng cao. Cụ thể, TPHCM hiện nay với 4,5 triệu lao động, là nơi có lực lượng lao động đông nhất cả nước. Lợi thế của TPHCM là có hệ thống giáo dục đào tạo khá phát triển với hơn 60 viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu; là nơi cung cấp chất lượng lao động ngày càng cao với quy mô lớn. Gần đây nhất, TPHCM thu hút 1 dự án đầu tư của Đức về thiết bị điện cho xe hơi điện, đối tác cần 7.000 lao động trong đó có 5.000 kỹ sư và một trung tâm nghiên cứu với 500 kỹ sư, đầu tư 650 triệu USD. Sau 1,5 năm, dự án này sẽ xuất khẩu 3 tỷ USD, giai đoạn 2 sẽ là 5-6 tỷ USD. “Họ cần TPHCM có thể cung cấp cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao và nguồn nhân lực với quy mô như vậy. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, động lực phát triển của TPHCM sẽ là nhân lực chất lượng cao ở tầm quốc tế với quy mô lớn”, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nói.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến một vấn đề yếu kém lâu nay, đó là sự kết nối giữa tứ giác phát triển: doanh nghiệp khoa học, đào tạo chất lượng cao, các công ty tài chính và quản lý nhà nước. “Tứ giác phát triển này chúng ta nói nhiều nhưng còn thiếu chặt chẽ. Với TPHCM, bên cạnh những cơ chế chung thì còn có mô hình đang triển khai cụ thể để thực hiện việc kết nối này ở một quy mô diện tích cụ thể, hạn chế về không gian có mật độ rất cao. TP sẽ xây dựng một khu đô thị sáng tạo tương tác cao, gồm Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nói và cho biết khu đô thị này có Khu công nghệ cao hoạt động hiệu quả nhất cả nước, hiện nay đang thu hút 7 tỷ USD vốn đầu tư, xuất khẩu mỗi năm trên 8 tỷ USD.

Ngoài ra, TPHCM có mật độ trường đại học vào loại cao nhất cả nước, cụm trường đại học với trên 100.000 sinh viên, 2.000 tiến sĩ, là trung tâm đào tạo rất lớn. Quận 2 với khu đô thị mới sẽ thành lập trung tâm tài chính. Như vậy Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức hiện nay đã hình thành 3 cực: sản xuất công nghệ cao; đào tạo, nghiên cứu trình độ cao; và công nghệ mới. “TPHCM sẽ tích hợp lại thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, chiếm 11% diện tích thành phố, 11% dân số, triển vọng sẽ đóng góp ít nhất 30% tổng sản phẩm kinh tế của TP. Đó là mô hình hiện thực hóa sự tương tác giữa 4 bên một cách chặt chẽ về không gian”, Bí thư Thành ủy TPHCM cho hay.

Đẩy mạnh vấn đề hợp tác vùng

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, các phương thức kinh tế mới, kinh tế chia sẻ cũng rất quan trọng. TPHCM với dân số lớn, kinh tế lớn, có điều kiện làm thử phương thức này. TPHCM có 315.000 người và xe tham gia vào hệ thống kết nối của các hãng dịch vụ xe, đây là mô hình kinh tế mở chia sẻ. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, là cần nhận thức lại mô hình kinh tế biển. Lâu nay TPHCM coi Cần Giờ và các cảng liên quan là nguồn lực chính của kinh tế biển. “Nhưng không phải, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, từ bờ biển chạy vào khoảng 100km là vùng đất có nguồn lực và tài nguyên rất lợi thế để phát triển kinh tế biển. TPHCM có chiều dài từ biển là 88km. Cả thành phố nằm trong vùng kinh tế biển, như vậy các tỉnh có biển ở đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ phải ngồi lại với nhau để hoạch địch lại phương thức phát triển”, đồng chí nêu quan điểm. Ở Việt Nam, các tỉnh có biển chiếm 40% diện tích cả nước, nhưng đóng góp GDP chiếm 65%.

Nhấn mạnh về việc cần hợp tác vùng, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện nay, cứ 5 năm, dân số TPHCM thêm 1 triệu người. Cứ 5 năm phải tạo ra thêm 1 triệu việc làm và phương tiện đi lại, nhà ở. TPHCM không thể đáp ứng nổi. Nên nếu TPHCM không hợp tác với các địa phương xung quanh, nếu không giúp các địa phương khác phát triển và đặc biệt đô thị hóa tại các tỉnh thì đô thị hóa sẽ dồn vào TPHCM, TP không cách nào ngăn chặn quá trình này. “Do đó, chúng tôi phải nhận thức lại, TPHCM cũng đô thị hóa nhưng phải giúp các địa phương đô thị hóa thật cao. Chúng tôi đã hợp tác với các tỉnh miền Tây Nam bộ về du lịch, sắp tới sẽ tiếp tục hợp tác với một số tỉnh về lĩnh vực giao thông”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng trong hợp tác, phát triển phải có yếu tố nước ngoài. TPHCM xác định, TP muốn phát triển phải dựa vào tri thức, chuyên gia người nước ngoài ở các lĩnh vực mà TP rất cần.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo