Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đến năm 2045, đồng bào dân tộc TP được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải trao quà cho đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn (ảnh minh họa)

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn TP.

Theo kế hoạch, UBND TP xác định mục đích nhằm quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ về ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong tình hình mới.

Đồng thời, xác định rõ nội dung, trách nhiệm của các sở, ban ngành trong tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của toàn xã hội về công tác dân tộc. Phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác dân tộc trong thời gian tới. Phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong việc chăm lo, giúp đỡ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP.

UBND TP yêu cầu các sở, ban ngành, UBND TP Thủ Đức và quận huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phải phù hợp với thực tiễn công tác dân tộc tại TP. Nâng cao vai trò tham mưu, đề xuất của các sở, ngành về cơ chế, giải pháp thực hiện các chính sách dân tộc…

Bên cạnh đó, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc.

Cũng theo kế hoạch, UBND TP xác định mục tiêu tổng quát: Tạo điều kiện phát triển toàn diện, nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc; khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh trong đồng bào dân tộc tại TPHCM, cải thiện đời sống, nâng cao sinh kế, hướng tới mục tiêu giảm dần số hộ gia đình đồng bào dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho đồng bào dân tộc ở các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững để góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập, tiếp cận ngày càng nhiều các dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội. Nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc, góp phần tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc tại TP; Tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, khát vọng đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu vì Tổ quốc Việt Nam thịnh vượng.

Đối với mục cụ thể đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo trong đồng bào dân tộc theo chuẩn nghèo TP; tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%.

Đồng thời, tăng cường công tác y tế để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hiện đại; 100% đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm y tế. 100% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 5%.

Bên cạnh đó, 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc; tăng cường công tác tuyên truyền về bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao vai trò của các cá nhân hoạt động tích cực trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục truyền thống...

Ngoài ra, tập trung đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Nâng cao chất lượng, bảo đảm tỷ lệ hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ TP đến cơ sở. Nơi có đông đồng bào dân tộc cư trú nhất thiết phải có cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức là người dân tộc phải đáp ứng yêu cầu hiểu tiếng nói, chữ viết và tập quán của đồng bào dân tộc.

Đến năm 2030, tuổi thọ trung bình người dân tộc thiểu số đạt 77 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 tuổi; tỷ lệ người dân tộc trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề phủ hợp với nhu cầu, điều kiện và có thu nhập ổn định đạt 35 - 40%, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ.

Đồng thời, thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 80% người dân tộc thiểu số sau các khóa học nghề có nhu cầu tìm việc phù hợp.

Bên cạnh đó, 80% cán bộ, công chức cấp phường, xã, thị trấn có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên và được bồi dưỡng, đào tạo lĩnh vực, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu; trên 90% được bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo 4 nhóm đối tượng đặc biệt là khu vực có tập trung đông đồng bào dân tộc.

Tầm nhìn đến năm 2045, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo của TP; đồng bào dân tộc được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo