Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đảm bảo chặt chẽ các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Bộ đội Biên phòng

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận tại phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 47, chiều 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Liên quan đến việc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 9), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật; có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa rõ ràng, chưa đảm bảo nguyên tắc một việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng chỉ một chủ thể chủ trì… Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng hơn và dễ thực hiện, Ủy ban này đề nghị bổ sung quy định chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc theo phân cấp của Chính phủ, chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng. Chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định pháp luật”.

Theo Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, nếu không làm rõ về thẩm quyền, quyền hạn thì sau này, công tác phối hợp sẽ có những khó khăn. Ví dụ như quản lý xuất, nhập cảnh, vừa qua tại sao vấn đề quản lý người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc có những sơ hở, đó là do có hai cơ quan cùng quản lý xuất, nhập cảnh. Biên phòng quản lý cửa khẩu biên giới và trên biển, Công an quản lý 5 cửa khẩu hàng không, hai hệ thống quản lý nên mặc dù có liên kết nhưng không tránh khỏi có những sơ hở. Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị cân nhắc kỹ những quy định trong dự án luật để tránh những sơ hở không cần thiết.

Theo Thượng tướng Bùi Văn Nam, các nội dung quy định về chủ trì, phối hợp trong thực hiện bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới mà Bộ Công an đã đề xuất theo hướng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó Bộ đội Biên phòng và các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới là phù hợp với quy định của một số luật hiện hành.

Nhấn mạnh vấn đề là làm thế nào để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước tại khu vực cửa khẩu, biên giới, vừa bảo đảm được độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự, vừa tránh chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, chúng ta đang xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, trách nhiệm ở đây không chỉ duy nhất có một lực lượng nào làm nhiệm vụ ở khu vực này, mà là sức mạnh tổng hợp của cả đất nước ta, của nhiều lực lượng, của nhân dân. Cạnh đó, hai điều luật liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an là Điều 13 quy định về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng và Bộ Quốc phòng, Điều 29 quy định về trách nhiệm của Bộ Công an trong vấn đề quản lý nhà nước. Các quy định này cần được làm rõ hơn.

Về nguyên tắc, ở cửa khẩu, khu vực biên giới thì Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm chính, nhưng đi vào từng nhiệm vụ cụ thể thì lực lượng nào chủ trì, các bộ phải ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp hơn. Ví dụ như phòng, chống dịch xảy ra trên biên giới, khu vực cửa khẩu thì có phải Bộ Y tế là lực lượng chủ trì chính, còn lực lượng khác phối hợp hay không? Cần phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của từng bộ, ngành để phân định cho phù hợp.

Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, các quy định về Bộ đội Biên phòng đã được chỉnh lý một cách toàn diện, nhất là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng, hình thức bảo vệ biên giới, đã bổ sung thêm một điều về phạm vi hoạt động của Bộ đội Biên phòng tại Điều 17. Việc chỉnh lý này là phù hợp, bám sát ý kiến của đại biểu Quốc hội trong việc làm rõ, phân định nhiệm vụ, chức năng của Bộ đội Biên phòng với các lực lượng khác, bổ sung chế độ, chính sách cho lực lượng này. Tuy nhiên, cũng cần phải tiếp tục rà soát kỹ, đảm bảo chặt chẽ chặt chẽ các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Bộ đội Biên phòng đúng với tính chất, vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt thực thi nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng lưu ý làm rõ thêm về tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác, vấn đề công tác phối hợp giữa lực lượng Biên phòng với lực lượng Công an trên biên giới. Tiếp tục nghiên cứu làm rõ khái niệm, định nghĩa, các quy định về nhiệm vụ và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; về chế độ, chính sách, vai trò của các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác biên phòng; thể chế hóa đầy đủ vị trí, vai trò của Bộ đội Biên phòng, công tác bảo vệ, xây dựng biên giới quốc gia.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo