Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Đại biểu Quốc hội TPHCM luôn kề vai sát cánh cùng với chính quyền TP làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang trao Bằng khen của UBND TP tặng các cá nhân. (Ảnh: Thy Dương)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 12/1, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Họp mặt Kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 – 6/1/2021). Đến dự có các đồng chí: Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Huỳnh Đảm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP; Võ Thị Dung, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM;…

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã ôn lại ý nghĩa lịch sử, quá trình hình thành và phát triển và những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong 75 năm qua; những đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM... Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh về sự kiện ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước; đồng thời cho rằng, trong điều kiện cách mạng nước ta đứng trước thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn chồng chất, nhân dân ta vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định tổ chức Tổng tuyển cử và đưa cuộc Tổng tuyển cử đến thành công. Đây là một quyết định dũng cảm, táo bạo, kịp thời, chủ động và nhạy bén, xuất phát từ bản lĩnh chính trị sắc bén, khoa học và thực tiễn sâu sắc. Thắng lợi đó là do đường lối của Đảng đã phản ánh được những khát vọng sâu xa nhất, bức thiết nhất của Nhân dân, với lãnh tụ kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua Việt Minh, một tổ chức quần chúng rộng lớn do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử cũng đã khẳng định niềm tin tuyệt đối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tinh thần yêu nước của Nhân dân ta. Đồng thời, đó cũng là sự biểu thị khát vọng dân chủ của Nhân dân và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi gặp mặt Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi gặp mặt. (Ảnh: Thy Dương)

Theo đồng chí Trần Lưu Quang, 75 năm đã trôi qua, với 14 nhiệm kỳ, Quốc hội Việt Nam luôn luôn là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn bó máu thịt với Nhân dân, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của Nhân dân. Sự phát triển của Quốc hội trong 75 năm qua là một quá trình liên tục kế thừa và không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang cho biết, cùng đóng góp vào thành quả chung của Quốc hội cả nước, có tâm sức của nhiều thế hệ đại biểu Quốc hội TPHCM. Kế thừa truyền thống tự hào của Quốc hội và kinh nghiệm quý báu của các vị đại biểu Quốc hội tiền nhiệm, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM từ khoá VI đến nay đã luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, cùng chính quyền và Nhân dân TP phát huy truyền thống anh hùng, vượt qua biết bao khó khăn thử thách, đi đầu trong đổi mới tư duy, giành được những thành tựu quan trọng, để không phụ lòng tin yêu, tín nhiệm của đồng bào cử tri TP và sự quan tâm của Thành uỷ, của Đảng bộ TP.

Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ qua là Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có đóng góp tích cực trong qua trình cùng với chính quyền TP kiến nghị, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và Nghị quyết số 1111/2020/QH14 ngày 9/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

Các đại biểu giao lưu tại chương trình Các đại biểu giao lưu tại chương trình. (Ảnh: Thy Dương)

Theo đồng chí Trần Lưu Quang, tự hào truyền thống Quốc hội Việt Nam qua 75 năm, Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, hoàn thành ngày càng tốt hơn chức trách, nhiệm vụ theo luật định, xứng đáng là đại biểu Nhân dân của TP Anh hùng, đại biểu của TP được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi vị đại biểu Quốc hội TP sẽ luôn kề vai sát cánh cùng với chính quyền TP làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình. Đó là tăng cường tiếp công dân, không ngừng đổi mới công tác tiếp xúc cử tri sao cho thiết thực hơn, sâu sát hơn, lắng nghe, tiếp thu nguyện vọng của người dân; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát, nắm bắt thực tiễn phong phú của TP để góp tiếng nói vào ý chí chung của Quốc hội cả nước.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ trao Huy hiệu TPHCM tặng các cá nhân Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ trao Huy hiệu TPHCM tặng các cá nhân. (Ảnh: Thy Dương)

Tại chương trình, các đại biểu đã được giao lưu với 4 Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ. Đó là Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII, IX. Đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HDND TP, Đại biểu Quốc hội khoa IX, XI, XII. Đồng chí Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, XII, XIII. Đồng chí Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV.

Dịp này, 26 cá nhận được nhận Huy hiệu TPHCM; 3 cá nhận Bằng khen của UBND TP. 

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 3/9/1945, tức là một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ “tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Ngày 8/9/1945 Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội.

Ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên đã diễn ra trong cả nước. Ở Hà Nội đã có 91,95% cử tri của 74 khu nội thành và 118 làng ngoại thành đi bỏ phiếu trong không khí tràn đầy phấn khởi của ngày hội dân chủ. Kết quả, có 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Nam Bộ, cuộc bầu cử diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của giặc Pháp. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ TP và các vùng xung quanh, Tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù. Ủy ban hành chính TP mặc dầu phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam nhưng vẫn bám sát chỉ đạo Nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử.

Cuộc Tổng tuyển cử đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Trong thành phần của Quốc hội có đại biểu đại diện cho cả ba miền Bắc - Trung - Nam, các giới từ những nhà cách mạng lão thành, thương gia, nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa, đến đại biểu các thành phần tôn giáo, những người không đảng phái và các đảng phái chính trị. 

Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo