Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên họp.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 15/5, tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh, bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn cơ hơn một số bức xúc của người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình sẽ đạt được đa mục tiêu về kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; đối ngoại; bảo vệ môi trường, sinh thái và đa dạng sinh học; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố và nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước; tăng cường đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được thiết kế thành 10 dự án.

Thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, Thường trực Hội đồng thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia để thể chế hóa Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới” và thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ đưa ra nhiều mục tiêu cụ thể của giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhiều chỉ tiêu mang tính định lượng, chi tiết mà chưa làm rõ được cơ sở tính toán để đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chương trình bám sát các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, một số dự án, hợp phần được nêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia có mục tiêu, đối tượng, nội dung trùng lắp, sẽ gây khó khăn trong lập kế hoạch, triển khai thực hiện, thanh quyết toán nguồn vốn, tuân thủ chế độ báo cáo… chưa bảo đảm yêu cầu Nghị quyết số 88 của Quốc hội. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cơ cấu lại các tiểu dự án, các hợp phần và có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, các mục tiêu thể hiện trong Chương trình mà Chính phủ trình còn nhiều điểm chung chung, chưa cụ thể. Các mục tiêu cần phải nhấn mạnh rõ việc thực hiện Chương trình nhằm thay đổi những gì của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung Chương trình mà Chính phủ trình cũng thiếu phần giải pháp cơ bản, do vậy đề nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện nội dung này cho đầy đủ.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, nguồn vốn mà Chính phủ đề xuất không lớn, nhưng những mục tiêu đề ra lại khá lớn, nhiều và tản mát. Do vậy, cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ lại nội dung này để đảm bảo được tính khả thi nếu không huy lực các nguồn lực xã hội khác cùng thực hiện.

Cũng trong chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thống nhất với phần lớn các nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, trong đó bao gồm các vấn đề liên quan đến tổng số đại biểu Quốc hội, về nhiệm kỳ của Quốc hội, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội, đề nghị vẫn xác định đây là một hình thức tổ chức có tính đặc thù trong Quốc hội Việt Nam, phù hợp với điều kiện phần lớn các đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm. Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức vừa hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, vừa đồng thời giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với chính quyền địa phương, là nơi tập hợp kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cả chính quyền và cử tri địa phương đến với Quốc hội.

Về việc chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì chưa nên đặt vấn đề chuyển các Ban thành cơ quan thuộc Quốc hội. Do đó, đề nghị cho tiếp tục giữ vị trí, chức năng của Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội như hiện nay, đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp hơn đối với đội ngũ cán bộ của các Ban để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. 

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo