Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần gắn với bố trí, đánh giá, điều động, luân chuyển, quy hoạch

PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP phát biểu tại hội thảo.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 22/11, Học viện Cán bộ TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển TPHCM”. Tham dự có các đồng chí: Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Lê Thị Thanh Thúy, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM;…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Tấn Phát, Thành ủy viên, Giám đốc Học viện Cán bộ TP cho biết, trước bối cảnh phát triển mới, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ và chính quyền nói chung, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP nói riêng đứng trước những yêu cầu mới cùng những cơ hội, thách thức. Góp phần thực hiện nhiệm vụ này, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp chặt chẽ cùng các ban của Thành ủy, các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai tương đối hiệu quả trong thời gian qua.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới và nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức TPHCM trong thời gian tới. Đó là những yêu cầu, những vấn đề cụ thể đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM trong bối cảnh TPHCM đang xây dựng chính quyền đô thị, xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số mạnh mẽ, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội...; việc đào tạo, bồi dưỡng theo các chức danh quy hoạch lãnh đạo, quản lý; các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ; việc bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP.

Một trong những nội dung khác là đổi mới phương thức tổ chức, quản lý các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến để vừa đảm bảo đúng quy định, vừa đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong điều kiện, tình hình mới; đồng thời cần quan tâm, tìm các giải pháp để phát huy tính chủ động, tự giác, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc tự đọc, tự học, tự nghiên cứu để không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện Cán bộ TPHCM. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp khoa học, khả thi để không ngừng đổi mới và nâng cao hiệu quả toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Học viện, góp phần nâng cao hiệu quả tiến trình quản lý, phát triển hiệu quả, bền vững TPHCM.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Các đại biểu tham dự hội thảo.

Một số đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cần có sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với quận/huyện, sở/ngành để xác định nhu cầu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị và chú trọng công tác đánh giá sau đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng cả về nội dung chương trình, kỹ năng, bổ sung thêm kinh nghiệm, tình huống xử lý điểm nóng, đổi mới cả hình thức đào tạo, trong đó đảm bảo hài hòa giữa đào tạo trực tiếp, đào tạo trực tuyến, hướng đến áp dụng khoa học công nghệ trong công tác thiết kế, quản lý và tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng.

Có ý kiến cho rằng, cần xác định và đánh giá đúng mức các yêu cầu, thách thức và khó khăn trong đào tạo, bồi dưỡng hiện nay để có những giải pháp hiệu quả. Trong đó, những yêu cầu về hội nhập quốc tế, quản lý đô thị, vận hành đô thị thông minh, một số chương trình khung chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương, từng vị trí việc làm. Tránh trình trạng chương trình vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu năng lực thực thi. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, các báo cáo viên cần chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học trong đó tổng kết chính sách, nghiên cứu thực tiễn các vấn đề của địa phương, của sở, ngành cần giải quyết là hướng ưu tiên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cần gắn với việc tạo nguồn, tính kế thừa, gắn với công tác bố trí, đánh giá, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ để công tác đào tạo bồi dưỡng có ý nghĩa trong việc phấn đấu động viên cán bộ, công chức, viên chức trên thực tế.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo