Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Công tác dân tộc, tôn giáo góp phần gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Ông DuSo (thứ 4 từ trái sang, áo trắng) tại buổi tuyên truyền đồng bào dân tộc Chăm về phân loại rác tại nguồn, giữ gìn vệ sinh môi trường tại ấp Bến Đò 2 xã Tân Phú Trung huyện Củ Chi.

(Thanhuytphcm.vn) - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện lời dạy của Bác, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi ra sức thi đua xây dựng đời sống văn hóa mới. Trong không khí vui tươi của những ngày xuân Canh Tý 2020, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Củ Chi phấn khởi trước những kết quả từ phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động làm tốt vai trò cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền, trong đó có đồng bào các dân tộc, tôn giáo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Gắn kết, chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số

Huyện Củ Chi có 35 dân tộc thiểu số với 12.443 nhân khẩu là đồng bào dân tộc (chiếm tỷ lệ 2,70% trên tổng số nhân khẩu toàn huyện), nhiều nhất là người Chăm, Khmer, người Hoa.

Thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo huyện tập trung đầy đủ và kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc, tôn giáo, tăng cường gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng chí Dương Văn Duyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Phó Ban công tác Dân tộc tôn giáo huyện Củ Chi cho biết, huyện Củ Chi quan tâm thực hiện công tác dân tộc tôn giáo theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển; phát huy những phong tục tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào dân tộc an tâm làm việc, phát triển kinh tế gia đình cũng như quan tâm, giúp đỡ cho các trường hợp người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.

Hệ thống mặt trận Củ Chi đã thường xuyên rà soát lập danh sách số liệu hộ gia đình người dân tộc thiểu số, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để kịp thời chăm lo, hỗ trợ phù hợp. Khảo sát năm 2016 huyện Củ Chi còn 32 hộ người dân tộc là diện hộ nghèo và 120 hộ cận nghèo. Hàng năm dịp lễ tết, huyện và các xã đều có những phần quà dành tặng cho đồng bào dân tộc thiểu số vào các dịp lễ, tết. 5 năm qua huyện tạo nghề, giải quyết việc làm cho 563 lao động, miễn giảm học phí 603 em học sinh, khám chữa bệnh miễn phí và thực hiện cấp 1.291 thẻ BHYT cho hộ thuộc dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo… Với nhiều hình thức hỗ trợ và sự cố gắng của chính các hộ đến cuối năm 2019, huyện còn 17 hộ người dân tộc là hộ nghèo và 11 hộ cận nghèo.

Dịp Lễ hội Đôn – ta của người dân tộc Khmer, huyện tổ chức các hoạt động văn hóa (như nấu ăn, biểu diễn các tiết mục văn nghệ, thi đấu thể thao, trao đổi tâm tư nguyện vọng đến lãnh đạo địa phương) giao lưu, giữ gìn nét đẹp truyền thống, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Các tổ chức thành viên khối mặt trận cũng đã có nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, hội viên. LĐLĐ hàng năm đều có những phần quà tết cho đoàn viên, người lao động là người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài thăm hỏi, tặng quà, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức Hội thi các món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc; phát động phong trào thi đua “Gương sáng Phụ nữ dân tộc” thu hút phụ nữ các dân tộc trên địa bàn giao lưu, học tập, rèn luyện. Phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chăm lo từ đó đồng bào dân tộc tin tưởng vào Đảng, chính quyền, an tâm làm việc ổn định cuộc sống, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, phát huy tinh thần khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Du Số người dân tộc Chăm tạm trú ở ấp Bến Đò 2 xã Tân Phú Trung cho biết: “Chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ cho đồng bào Chăm chúng tôi có nơi học hành, có việc làm. Đồng bào dân tộc Chăm chúng tôi rất cám ơn chính quyền địa phương và cố gắng làm việc để ổn định đời sống”.

Đồng chí Dương Văn Duyên (giữa), Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi và Đại đức Thích Thiện Tâm trồng hoa chuông vàng trên tuyến đường Nguyễn Thị Đây, ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi. Đồng chí Dương Văn Duyên (giữa), Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi và Đại đức Thích Thiện Tâm trồng hoa chuông vàng trên tuyến đường Nguyễn Thị Đây, ấp Trung Hiệp Thạnh, xã Trung Lập Thượng huyện Củ Chi.

Thực hiện công tác xã hội cộng đồng, bảo vệ môi trường

Toàn huyện Củ Chi hiện có 211 cơ sở tôn giáo. Phát huy tinh thần đoàn kết cùng với công tác dân tộc, Mặt trận Tổ quốc huyện chủ động cùng với chính quyền nắm bắt tâm tư, giải quyết nguyện vọng chính đáng, tạo niềm tin đồng bào tôn giáo vào chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; các cơ sở tôn giáo trên địa bàn góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chia sẻ, chăm lo cho người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã, thị trấn. Mỗi năm Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi ủng hộ Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” và thực hiện công tác từ thiện xã hội cộng đồng trên 14 tỷ đồng; đồng bào Công giáo và các dòng tu năm qua đã ủng hộ số tiền gần 7 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, hệ thống mặt trận tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, các tín đồ tôn giáo cùng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở, làm việc, nơi công cộng. Các cơ sở tôn giáo đã trồng và chăm sóc trên 3.000 cây, hoa kiểng các loại, như hoa bằng lăng, hoa chuông vàng, hoa giấy, hoa mười giờ. Toàn huyện có 21 mô hình, công trình cơ sở tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; nhiều mô hình như “Tuyến đường không rác”, công trình “Trồng cây xanh, trao thùng  rác”, "Khu dân cư Công giáo không rác", Miếu Quan Đế Củ Chi (người Hoa) trồng hoa chuông vàng trên chậu có dòng thơ nhắc nhở mọi người ý thức bảo vệ môi trường “Trồng thêm một cây xanh là thêm hành động về môi trường”.

Linh mục Phạm Văn Hòa (áo trắng), Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện, Quản Hạt Củ Chi, Chánh xứ Giáo xứ Bắc Hà cùng Giáo dân ra quân “Ngày chủ nhật xanh” tham gia bảo vệ môi trường. Linh mục Phạm Văn Hòa (áo trắng), Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện, Quản Hạt Củ Chi, Chánh xứ Giáo xứ Bắc Hà cùng Giáo dân ra quân “Ngày chủ nhật xanh” tham gia bảo vệ môi trường.

Đại đức Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Thiên Phước xã Trung Lập Thượng chia sẻ: “Được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, phát huy mối đoàn kết lương giáo, tôi đã vận động Phật tử tham gia ra quân “Ngày chủ nhật xanh” thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh cùng với người dân địa phương, bà con Phật tử rất vui, mọi người ý thức chăm sóc cây xanh, trồng hoa kiểng trước nhà xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp”.

Đến với Củ Chi hôm nay, trong những ngày xuân mới này nhiều tuyến đường kiểu mẫu “Xanh, sạch, đẹp, an toàn”, mảng xanh, hoa kiểng khoe sắc. Đó chính là kết quả tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới, trong đó có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện Củ Chi. Hiệu quả từ công tác dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện Củ Chi góp phần gắn kết các ngành, các giới, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngọc Nữ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo