Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cổng dịch vụ công Quốc gia mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: VGP)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 9/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Lễ khai trương Cổng dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ: dichvucong.gov.vn. Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các Bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố ở các đầu cầu trong cả nước. Tại đầu cầu TPHCM, tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu; đại diện các sở, ngành, quận, huyện TP và 5 điểm cầu.

Tiết kiệm hơn 4.000 tỷ đồng/năm

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Xây dựng Cổng dịch vụ công Quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp (DN) mà trực tiếp là góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Nhận thức rõ tầm quan trọng của Cổng dịch vụ công Quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng với mong muốn tạo dựng một địa chỉ cung cấp thông tin và hỗ trợ việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và dịch công liên tục, minh bạch, chính xác, hiệu quả, tạo thuận lợi cho người dân và DN; chống tiêu cực, tiết kiệm chi phí và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời, cũng tạo một kênh đo lường kiểm soát chất lượng phục vụ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua thông tin được lượng hóa cụ thể trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay: Việc thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia về cơ bản đã hoàn thành các nội dung. Đó là nâng cấp cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC; cung cấp nền tảng đăng nhập một lần, kết nối với Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh, TP; cung cấp nền tảng thanh toán trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến; nâng cấp hệ thống phản ảnh kiến nghị của người dân, DN. Đến nay, 100% các Bộ, ngành, địa phương đã tham gia rà soát chuẩn hóa dữ liệu TTHC, có 4 Bộ, ngành, 57 địa phương, 7 Tập đoàn, Tổng công ty, Ngân hàng đã kết nối tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Cổng dịch vụ công Quốc gia cung cấp các dịch vụ công và tiện ích với 5 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, TP gồm: Đổi giấy phép lái xe; thông báo hoạt động khuyến mại; cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; dịch vụ cấp điện hạ áp và dịch vụ cấp điện trung áp. Ba dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ gồm: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; đăng ký khuyến mại; nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hai tiện ích nộp thuế điện tử đối với DN và thanh toán tiền điện. Đối với 4 địa phương tích hợp trong năm 2019 sẽ cung cấp thêm một số dịch vụ công cụ thể như sau: TPHCM đăng ký hộ kinh doanh và đăng ký thuế; Hà Nội đăng ký khai sinh và xác nhận tình trạng hôn nhân; Quảng Ninh, Hải Phòng đăng ký khai sinh.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, qua đánh giá quá trình vận hành thử nghiệm vừa qua cho thấy rằng: Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và DN. Sau khi Cổng dịch vụ công Quốc gia đi vào hoạt động, người dân, DN chỉ cần truy cập một địa chỉ duy nhất, bằng một tài khoản duy nhất là có thể đăng nhập được đến Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, theo dõi tình trạng giải quyết, đánh giá chất lượng giải quyết và gửi phản ảnh kiến nghị mà không phụ thuộc vào thời gian, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Đồng thời, có thể tái sử dụng thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ; từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện TTHC. Đặc biệt là những TTHC có liên quan đến nhiều cơ quan. Theo tính toán sơ bộ, đối với chi phí thực hiện 8 nhóm dịch vụ công cung cấp với tần suất giao dịch hiện nay khi chuyển đổi phương thức từ thực hiện trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, Cổng dịch công Quốc gia với nền tảng dữ liệu dùng chung giúp hạn chế việc đầu tư dàn trải tại các Bộ, ngành, địa phương và giúp tăng cường quản lý Nhà nước, giám sát, đánh giá việc giải quyết TTHC, tăng trách nhiệm giải trình, năng lực phản ứng chính sách, thúc đẩy quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. (Ảnh: VGP) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ. (Ảnh: VGP)

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và đưa vào sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời cho rằng, việc triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia là một dấu mốc quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử.

Để Cổng dịch vụ công Quốc gia hoạt động thực chất, liên tục và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá lại các quy định thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ; từ đó đưa ra hệ thống tổng thể các cơ sở dữ liệu cần thiết phải xây dựng để phục vụ và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu. Các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ với nhau giúp giảm bớt giấy tờ, đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục.

Đồng thời, Bộ Truyền thông và Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ có phương án đánh giá hiệu quả sử dụng dịch công trực tuyến trên toàn quốc. Từ đó, xác định các vấn đề còn vướng mắc để tháo gỡ thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Song song đó, cần đẩy nhanh việc xây dựng khung pháp lý để việc thực hiện TTHC dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, cùng các đại biểu tham dự buổi lễ tại đầu cầu TPHCM. (Ảnh: Đình Lý) Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu, cùng các đại biểu tham dự buổi lễ tại đầu cầu TPHCM. (Ảnh: Đình Lý)

Mặt khác, bảo đảm sự ổn định, thông suốt của cả hệ thống dịch vụ công, phát triển hạ tầng thông tin đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và DN. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng cho cả hệ thống.

Cùng với đó, các Bộ, các tỉnh tiếp tục nâng cấp Cổng dịch vụ công của đơn vị mình để đảm bảo kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn công nghệ, sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, cống hiến.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tiếp tục phát triển hệ thống phần mềm phù hợp với điều kiện, đặc điểm của nền hành chính Việt Nam, tạo sự thuận tiện, thân thiện nhất cho người sử dụng.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo