Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Còn “vênh” giữa mức xử phạt hành chính và hình sự

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra rằng có sự “vênh” giữa mức xử phạt hành chính và mức phạt xử lý hình sự
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 10/2, ngay sau phần khai mạc Phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung này.

Một trong những nội dung các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là mức xử phạt vi phạm hành chính còn “vênh” so với quy định xử phạt hình sự. Theo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, so với Luật XLVPHC hiện hành, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực, bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của 6 lĩnh vực và sửa đổi tên 7 lĩnh vực.

Về việc tăng mức phạt tiền tối đa trong 10 lĩnh vực (như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…), Ủy ban Pháp luật nhận thấy ý kiến giải trình cho việc nâng mức phạt tiền tối đa ở một số lĩnh vực chưa cụ thể; có lĩnh vực cơ quan soạn thảo giải trình là “chưa cần thiết phải tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực này”, nhưng dự thảo Luật lại thể hiện tăng mức phạt tiền tối đa. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng chưa có cơ sở để xem xét việc tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như dự thảo Luật đề xuất.

Mặt khác, Ủy ban Pháp luật nhận thấy một số trường hợp xử phạt với mức phạt tiền thấp, chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm hành chính (mức phạt đối với từng hành vi cụ thể) được dư luận phản ánh trong thời gian qua và góp ý của một số cơ quan, tổ chức không phải do bất cập về mức phạt tiền tối đa của lĩnh vực được quy định tại Luật XLVPHC mà là do các văn bản dưới luật quy định chưa thực sự phù hợp. Trong khuôn khổ mức phạt tiền tối đa được Luật hiện hành quy định, Chính phủ có thể sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tương ứng để tăng mức phạt đối với hành vi cụ thể, bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa mà không cần thiết phải sửa đổi Luật để nâng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đó.

Do vậy, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn việc tăng mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực; chỉ tăng mức phạt tiền tối đa trong trường hợp thực sự cần thiết, có cơ sở và phải được đánh giá tác động cụ thể, bảo đảm tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng nhóm hành vi vi phạm, bảo đảm tính tổng thể trong mối tương quan với các lĩnh vực khác và thẩm quyền xử phạt của các chức danh trong lĩnh vực đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra rằng có sự “vênh” giữa mức xử phạt hành chính và mức phạt xử lý hình sự. “Mức xử phạt hành chính có cao hơn hình sự hay không. Ví dụ, đánh bạc, trong dự thảo tính mức phạt tối đa trong lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội là 40 triệu đồng nhưng khung hình phạt tiền là hình phạt chính của tội đánh bạc tại Bộ luật Hình sự là từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Vênh thế này thì khi xử phạt hành chính theo Luật XLVPHC, nếu anh vi phạm là phạt liền 40 triệu, trong khi Bộ luật Hình sự theo quy định thấp nhất là 20 triệu, tôi thấy vênh, hành chính mà cao hơn hình sự, cần xem lại”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Cũng như băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ hiện nay giữa hình sự và hành chính, tiêu chí nào để xác định mức xử lý, lâu nay chúng ta vẫn quan niệm "hành chính là em của hình sự, hình sự phải cao hơn, căn cứ tiêu chí để xử lý". Bà Lê Thị Nga đặt câu hỏi hiện nay so với Bộ luật Hình sự, việc sửa đổi này đã đồng bộ chưa?

Trả lời các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua nghiên cứu cho thấy có một số điểm chung giữa pháp luật về đối tượng điều chỉnh và các vấn đề có liên quan trong pháp luật hành chính và pháp luật hình sự ở chỗ vi phạm hành chính và vi phạm hình sự đều là vi phạm. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính và các chế tài hành chính cũng như hình sự đều phải được quy định trong pháp luật hành chính và pháp luật hình sự. Điểm riêng đặc thù giữa xử lý hành chính và hình sự là cái gốc mà chúng ta cần phải xác định rõ, đó là mức độ nguy hiểm của hành vi xã hội.

Quang cảnh phiên họp Quang cảnh phiên họp

Trước nay chúng ta tiếp cận theo hướng hành chính thì nhẹ hơn, hình sự phải mức độ cao hơn. Việc xác định chính danh của hình sự và hành chính là rất khó. Hiện còn một số tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự đang có sự đan xen giữa hành chính và hình sự. Đan xen ở đây là mức phạt tối đa của hành chính cao hơn mức phạt tối thiểu của hình sự”, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay. Ông dẫn chứng như về thuế, chứng khoán, quảng cáo, bảo vệ rừng, trật tự an toàn giao thông... thì mức cao nhất của hành chính đang cao hơn mức thấp nhất của hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự.

“Chúng ta đi theo cách tiếp cận này bởi, tính nghiêm khắc của việc xử phạt hình sự không chỉ thể hiện mức phạt thấp hay cao mà nó còn các yếu tố khác liên quan đến quy trình, thủ tục pháp lý sau này và xử lý hình sự còn án tích. Quy trình hình sự là quy trình ảnh hưởng đến nhân thân con người một cách trực diện và lâu dài. Bên cạnh đó, phạt tiền hành chính tối đa thì không phải lúc nào cũng áp dụng mà đó chỉ là mức trần, còn phải căn cứ vào mức độ nguy hiểm của hành vi để phạt và khung tương đối rộng. Tương tự như vậy, không phải chế tài hình sự lúc nào cũng áp dụng mức thấp nhất”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo