Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Còn nhiều “rào cản” trong thực hiện thanh toán điện tử không dùng tiền mặt

Thanh toán điện tử không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 20/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Hội nghị được diễn ra tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Hơn 30 bệnh viện thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) Trần Quý Tường cho biết, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt giúp các bệnh viện đơn giản hóa thủ tục; phục vụ bệnh nhân tốt hơn, rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh… Đối với người dân, không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh; tiết kiệm được thời gian, công sức;…

Theo ông Trần Quý Tường, cả nước hiện nay có khoảng 78 ngân hàng cung cấp dịch vụ mobile Banking. Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 31 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong có 28 tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử. Các hình thức thanh toán điện tử cũng ngày càng phong phú, đa dạng và dễ dàng thanh toán cho người dân. Ngành y tế hiện nay có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt và đạt được những kết quả tích cực.

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt. Đến nay có 15 ngân hàng liên kết hỗ trợ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng QR code (mã phản hồi nhanh) tại bệnh viện và giúp người bệnh thanh toán chi phí khám chữa bệnh trực tiếp trên nền tảng thiết bị di động thông minh dễ dàng hơn, thậm chí có thể nhờ người thân thanh toán chi phí khám, chữa bệnh từ xa. Thạc sĩ Trần Văn Đức, Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, bệnh viện đã triển khai 8 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt để người bệnh có nhiều sự lựa chọn cho phù hợp với mình: thanh toán qua POS (các máy chấp nhận thanh toán thẻ); thẻ khám bệnh; chuyển khoản; thanh toán bằng QR-Code; Internet Banking; thanh toán qua App/Web; thanh toán qua cửa hàng tiện lợi; thanh toán bằng ví MoMo. Đến nay, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện đã đạt 35% tổng mức thanh toán của toàn bệnh viện.

Riêng với ngành y tế TPHCM, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, đến nay, một số bệnh viện đã triển khai thanh toán qua thẻ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Trong đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã triển khai thanh toán qua thẻ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại khu khám theo yêu cầu 2 và cũng đã triển khai thanh toán qua ví điện tử MoMo. Bệnh viện Từ Dũ thực hiện thẻ khám chữa bệnh có chức năng thanh toán (tích hợp ATM) tại Khoa khám ngoại trú. Bên cạnh hình thức thanh toán qua chuyển khoản và máy POS, một số bệnh viện đang triển khai thanh toán qua hình thức thẻ khám chữa bệnh và đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cuối năm của Bộ Y tế.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (Ảnh: Đan Như) Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (Ảnh: Đan Như)

Phấn đấu để các bệnh viện không dùng tiền mặt

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, việc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế đang gặp nhiều khó khăn. Theo Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh, các dịch vụ chưa thông suốt hết các khâu trong quá trình thanh toán; người bệnh sử dụng thẻ VISA để thanh toán chưa liên kết được với thẻ khám chữa bệnh. Công nghệ thông tin tại bệnh viện còn khó khăn, hạn chế trong tích hợp, truyền tải dữ liệu, thông tin của người bệnh giữa bệnh viện với ngân hàng. Thời gian tới, Sở Y tế TP chỉ đạo các bệnh viện triển khai thu viện phí bằng phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, bảo đảm triển khai trước ngày 31/12/2019. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện quy trình, bảo đảm nguồn lực triển khai các phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đến khâu thanh toán cuối cùng qua thẻ khám chữa bệnh. Đồng thời mở rộng đối tượng thẻ khám, điều trị bệnh cho người bệnh nội trú có Bảo hiểm y tế và không có Bảo hiểm y tế.

Một số ý kiến cho rằng, để triển khai hiệu quả việc thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế, các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tích cực phối hợp với các đơn vị và cơ sở y tế để bảo đảm hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm, dịch vụ thanh toán thông suốt, bảo đảm an toàn thông tin; đa dạng các dịch vụ và phương thức thanh toán điện tử. Cùng với đó là có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ đối với các thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong lĩnh vực y tế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật để tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của người dân trong lĩnh vực dịch vụ công; trong tháng 10 sẽ thực hiện 1 cửa và 1 cửa liên thông; lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe và trong công tác đào tạo nhân lực y, dược. Đây cũng là nền tảng để triển khai thanh toán điện tử đối với các dịch vụ hành chính công, viện phí và học phí.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là người dân chưa quen dùng thẻ thanh toán. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí cho các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi; nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt của bệnh viện nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện còn thấp; kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế phấn đấu để các bệnh viện không dùng tiền mặt, không dùng giấy, tiến tới bệnh nhân không phải xếp hàng tại các bệnh viện. Muốn vậy, lãnh đạo các bệnh viện phải có quyết tâm thực hiện các nội dung này, trong đó có việc thanh toán không dùng tiền mặt. Việc này cần có sự hỗ trợ tích cực từ ngành ngân hàng và nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong ngành y tế.

S.Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo