Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em"

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 12/9, lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 65 điểm cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ. Cùng dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và nhiều đồng chí lãnh đạo bộ ban ngành Trung ương; đại diện một số bộ ngành và doanh nghiệp tài trợ. Điểm cầu 63 tỉnh/thành do đại diện lãnh đạo địa phương chủ trì.

Tại lễ phát động, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách xã hội nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến lượng ước khoảng 7,35 triệu em. Số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.

Lộ trình cụ thể của chương trình là: Trong năm 2021 đảm bảo phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối internet trên toàn quốc; huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo; miễn phí sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến; miễn phí cước internet di động, các nền tảng dạy, hỗ trợ gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin. Trong năm 2022 – 2023 huy động mọi nguồn lực trong xã hội để các em học sinh nghèo có máy tính để học trực tuyến. Hiện đã có 10.000 máy tính từ cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam huy động, sắp tới sẽ chuyển tới tay các em học sinh khó khăn.

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến, chương trình còn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số. “Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc dạy – học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều học sinh không có máy tính, thiết bị để học. Chương trình nhằm huy động được 1 triệu máy tính bảng cho học sinh trong giai đoạn này”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", tối 12/9 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em", tối 12/9

“Sóng và máy tính cho em” là chương trình lớn, có liên quan đến học sinh toàn quốc. Do chủ trương đúng đắn, nhân văn nên chỉ trong 5 ngày phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã vào cuộc tích cực. Theo Bộ trưởng, chương trình gồm 3 phần: sóng Internet, máy tính và giá cước viễn thông phù hợp. Trong tháng 9, học sinh ở khu vực giãn cách xã hội sẽ có sóng để học. Cuối năm 2021, học sinh cả nước sẽ có sóng để học. Từ nay đến cuối năm, các nhà mạng sẽ miễn phí cước viễn thông. Bộ trưởng nhấn mạnh: một máy tính có thể bị bỏ quên ở đâu đó, nhưng có thể giúp các em thay đổi học tập, tương lai cuộc đời. “Sóng và máy tính cho em” sẽ thúc đẩy chuyển đổi số. Ở các vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử.

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, với ý chí và quyết tâm, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Các địa phương đang đẩy mạnh tiêm vaccine cho dân để sớm trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nóng vội. Công tác phòng, chống dịch đang được triển khai tích cực. Trong gian khó, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết lúc nào cũng được thể hiện rõ nét, nhất trong thời điểm hiện nay. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng cho rằng, cần quan tâm đến học sinh khó khăn để bảo đảm việc học tập trực tuyến, nhất là những nơi chưa có sóng. Hiện, nhiều gia đình không có máy tính cho con học, nhiều nơi không có sóng để học sinh học tập. Đảng, Nhà nước hiểu rõ và chia sẻ với các gia đình, học sinh trong giai đoạn khó khăn này.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để có thể mở cửa trường học an toàn cho học sinh. Quan điểm là an toàn mới mở cửa và học sinh đã đến trường là phải được an toàn. Trước mắt, khi phải học trực tuyến thì  sóng và máy tính là điều kiện để bảo đảm phương thức học tập mới hiệu quả. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần điều chỉnh phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất, đặc biệt là với học sinh lớp 1.

Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ học sinh khó khăn về máy tính, chương trình còn tiến tới phủ sóng những nơi chưa có sóng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy chuyển đổi số. Thông qua chương trình đã phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ trong mấy ngày, Chương trình đã huy động hàng triệu máy tính cho học sinh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước phí, phủ sóng ở những vùng lõm. Thủ tướng mong muốn, Chương trình sẽ lan tỏa tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số. Để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng và tiếp cận những gì tốt đẹp nhất.

Thủ tướng lưu ý, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Cũng theo Thủ tướng, một trong những mục tiêu là mở cửa trường học an toàn để đón học sinh trở lại. Do đó, các địa phương, nhà trường phải xây dựng kịch bản phù hợp. Thời gian tới, sẽ xúc tiến để có thể tiêm vaccine phòng chống Covid-19 cho học sinh.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo