Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chung tay dựng xây thành phố

Lãnh đạo TP Thủ Đức tham gia trồng cây xanh nhân kỉ niệm 1 năm thành lập TP Thủ Đức, tháng 1/2022. (Ảnh: TP Thủ Đức)

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày này cách đây 46 năm, ngày 2/7/1976, thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức được Quốc hội nước Việt Nam thống nhất đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, cái tên vốn đã được đề xuất đặt từ năm 1946. Thành phố trở thành một trong số không nhiều những đô thị lớn trên thế giới được đặt theo tên các anh hùng dân tộc, các danh nhân, những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn… Và người dân thành phố mãi mãi tự hào về đô thị duy nhất của nước ta được mang tên vị lãnh tụ đã thành lập nước Việt Nam độc lập, tự chủ.

Đối với mỗi người dân thành phố, tự hào gắn liền với trách nhiệm. Là công dân của thành phố được xem là năng động, sáng tạo bậc nhất của cả nước, người dân thành phố phải thực sự là những người năng động, sáng tạo và là chủ thể của những đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của thành phố. Đã từng có những cuộc “xé rào”, “bung ra” trong phát triển kinh tế hồi trước đổi mới, tuy chưa phù hợp với chủ trương chung bấy giờ nhưng lại là những giải pháp mang tính tháo gỡ khó khăn, khắc phục các hạn chế. Đã từng có những mô hình mang tính tiên phong, đột phá, có hiệu quả rộng khắp, sau này được cả nước học tập như phong trào "Xây nhà tình nghĩa", hoạt động phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"… Hay những hoạt động xã hội có ý nghĩa sâu sắc hiện vẫn đang phát huy tác dụng như phong trào bóng đá nữ, cuộc đua xe đạp Cúp Truyền hình thành phố, Giải thưởng Sáng tạo thành phố, việc vận động hiến đất mở rộng hẻm, xây dựng Đường sách, việc tổ chức và xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh…

Nhìn chung, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng thành phố là rất chủ động, tích cực. Trên tinh thần “dân giàu, nước mạnh”, mỗi chủ thể (có thể là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp…) luôn tích cực trong các hoạt động phát triển kinh tế, mở rộng sức sản xuất, khắc phục các “điểm nghẽn” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Ngay trong thời gian dịch Covid-19 rất khó khăn trong năm 2020 và 2021, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình tham gia duy trì hoạt động sản xuất, thương mại, chăm lo an sinh…, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” và “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”…

Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ liên quan đến dịch bệnh, một số vấn đề tồn tại của thành phố hiện rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi chủ thể ở thành phố. Chẳng hạn, sau dịch, hệ thống chính trị ở cơ sở có những biểu hiện quá tải, bên cạnh phải những định hướng lớn về mặt tổ chức thì rất cần sự chủ động, tự giác, tự nguyện của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhất là trong việc tham gia ban điều hành tổ dân phố, tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, các đoàn thể, kể cả tham gia cấp ủy khu phố. Việc tham gia này nhằm củng cố, kiện toàn và nâng chất hoạt động của các “cánh tay nối dài” của chính quyền địa phương ở cơ sở.

Hay một yêu cầu khác rất quan trọng là việc xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp dù đã được cụ thể hóa bằng nhiều quy định, nhiều phong trào, cuộc vận động nhưng kết quả vẫn chưa có chiều sâu và thiếu tính bền vững. Nhiều tuyến đường được chọn làm “kiểu mẫu” nhưng rác thải vẫn còn bừa bãi, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường vẫn còn phổ biến, việc trang trí gốc cây, bờ tường, góc phố… vẫn còn tùy tiện… Hay nhiều khu dân cư được công nhận là “văn hóa”, “văn minh” nhưng vẫn còn nhiều điều không đẹp, như còn súc vật thả rông, nhà cơi nới lấn chiếm không gian chung, tụ tập nhậu nhẹt, hát ca ồn ào diễn ra thường xuyên… Không ít hoạt động còn mang tính phong trào, bề nổi, định kỳ, chưa tạo nên chuyển biến sâu sắc về mặt nhận thức và vì vậy chưa tác động lớn đến hành động của các cá nhân…

Người dân Phường 10 quận Gò Vấp tham gia chương trình "15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp". (Ảnh: Phuong10govap.gov.vn) Người dân Phường 10 quận Gò Vấp tham gia chương trình "15 phút vì thành phố văn minh, sạch đẹp". (Ảnh: Phuong10govap.gov.vn)

Ngay cả một yêu cầu quan trọng trong một xã hội văn minh, tiến bộ là phải tuân thủ pháp luật thì đây đó vẫn còn nhiều biểu hiện chưa nghiêm túc. Phổ biến nhất vẫn là vi phạm các quy định về an toàn giao thông mà nhiều người lấy sự tiện lợi nhất thời của bản thân mà bỏ qua yếu tố an toàn và văn minh; hay việc chấp hành quy định chủ yếu mang tính đối phó (tránh bị xử phạt) chứ chưa thể hiện sự tự giác và có trách nhiệm. Hay gắn việc ứng xử với môi trường và tuân thủ pháp luật vẫn còn chưa chặt; vẫn còn tình trạng chưa quan tâm bảo vệ môi trường và trong nhiều trường hợp vi phạm pháp luật, như lấn chiếm không gian chung, gây ô nhiễm nguồn nước, không khí… Vi phạm pháp luật ở một số khía cạnh mới của xã hội diễn ra có dấu hiệu phức tạp, như vi phạm về quyền nhân thân và hình ảnh, tội phạm liên quan đến công nghệ cao…

Thành phố đã đề ra định hướng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, gắn với việc xây dựng đô thị thông minh. Đây thực sự là một quan điểm tiến bộ, tích cực. Việc thực hiện cần có sự tham gia của tất cả mọi người dân đang sinh sống, học tập ở thành phố, không kể là công dân chính thức hay là người tạm trú. Bởi suy cho cùng, việc xây dựng thành phố đạt được các yêu cầu, tiêu chí đó là do người dân thành phố, vì người dân thành phố và mỗi người đều sẽ được thụ hưởng các lợi ích đó. Không chỉ vậy, những kết quả đạt được ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lan tỏa đến các địa phương khác, hình thành những điểm sáng khác về chất lượng sống, từ đó góp phần tạo nên hạnh phúc của nhân dân, như định hướng lớn của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Để mọi người dân thực sự chung tay, hệ thống chính trị cần có những giải pháp phù hợp, tiến bộ. Đó là phải đề ra các chủ trương, giải pháp hướng đến các tầng lớp nhân dân, thu hút, động viên, gợi mở để mọi người cùng tham gia theo điều kiện cụ thể của mình, như học sinh – sinh viên nên làm gì, công nhân nên làm gì, tiểu thương – doanh nhân nên làm gì… Đó là phải thực sự bảo đảm các lợi ích thiết thực trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp đều vì người dân, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu và động lực trong mọi định hướng, mọi hoạt động. Đó là thường xuyên quan tâm điều chỉnh các giải pháp, mục tiêu, định hướng cho từng hoạt động trong từng giai đoạn cụ thể, gắn với điều kiện thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng của người dân, trên cơ sở luôn quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân. Đó là sự chủ động, tự giác, gương mẫu, dẫn dắt của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các phong trào, các cuộc vận động, các hoạt động cụ thể, đúng tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; tuyệt đối tránh có hiện tượng cán bộ, đảng viên tự tách mình ra khỏi các phong trào mà chỉ có yêu cầu người dân thực hiện…

Niềm tự hào là người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong mỗi người nên xem là một động lực tinh thần quan trọng để tác động, khơi gợi tinh thần trách nhiệm của mỗi chủ thể trong việc cùng tham gia xây dựng và phát triển thành phố trong thời gian tới. Đó là yếu tố cần, còn yếu tố đủ phải là việc tổ chức, dẫn dắt của cả hệ thống chính trị, của các cán bộ, đảng viên để mọi người đồng lòng, chung tay một cách tự giác, thực lòng!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo