Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh - những dự báo thiên tài

(Thanhuytphcm.vn) - Trong suốt cuộc đời hoạt động, kể từ ngày ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi trở thành lãnh tụ của Đảng, của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán chính xác những sự kiện lịch sử quan trọng ở Việt Nam và thế giới. Đó là dựa trên cơ sở tư duy biện chứng duy vật, nhãn quan chính trị nhạy bén, am hiểu tường tận lịch sử, văn hóa, năng lực khái quát và tổng kết lịch sử - thực tiễn cùng kinh nghiệm của một chiến sĩ cộng sản lỗi lạc.

1. Trong quá trình tìm đường cứu nước cứu dân và định hình đường lối giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sang châu Á, châu Âu và các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, phương Đông… để tìm hiểu và nắm bắt chính xác đặc điểm, xu thế phát triển của thời đại. Với năng lực nhìn xa trông rộng, bao quát lịch sử và thời đại, Người đã khai phá ra con đường cách mạng chưa từng có trong lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc đó là “Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” - Đây là điểm nổi bật về sức sáng tạo và bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Tháng 8/1914, khi đang ở nước Anh, trong một bức thư gửi cụ Phan Châu Trinh, Người đã tiên đoán Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) sắp nổ ra: “Tiếng súng đang rền vang. Thây người đang phủ đất. Năm nước lớn đang đánh nhau. Chín nước đã vào vòng chiến. Cháu bỗng nhớ cách đây vài tháng, cháu đã nói với Bác về cơn giông sấm động.”[1]

3. Năm 1924, trong bài “Đông Dương và Thái Bình Dương”, Người dự báo về nguy cơ chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ: “Thế nào rồi cũng có ngày nước Nga cách mạng phải đọ sức với chủ nghĩa tư bản đó”; “Vì đã trở thành một trung tâm mà bọn đế quốc tham lam đều hướng cả vào nhòm ngó, nên Thái Bình Dương và các nước thuộc địa xung quanh Thái Bình Dương, tương lai có thể trở thành một lò lửa của chiến tranh thế giới mới mà giai cấp vô sản sẽ phải nai lưng ra gánh.”[2]

4. Năm 1941, trước diễn biến mới trên thế giới, Người dự báo: “Nếu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Liên Xô một nước XHCN ra đời, thì trong cuộc chiến tranh lần thứ 2 này sẽ sinh ra nhiều nước XHCN, cách mạng ở nhiều nước sẽ thành công”.

5. Trong bài viết trên Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1/1/1942, trả lời câu hỏi: Năm nay tình hình thế giới và trong nước sẽ thế nào? Người đã đưa ra dự báo về thời cơ để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh - Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do.”[3]

6. Cuối năm 1941, sau khi từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã viết tập diễn ca “Lịch sử nước ta” (Việt Minh Tuyên truyền Bộ xuất bản tháng 2/1942) với lời mở đầu “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” và ở câu kết, Người khẳng định: “Việt Nam độc lập - 1945”[4]. Chính xác, ngày 2/9/1945, Người đọc bản Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

7. Ngày 8/5/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trong thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, Người viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bắt đầu”[5] và “Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ”[6]. Lúc này, đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên, vì vậy, ít ai nghĩ rằng, Mỹ lại có thể thay chân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song, lịch sử đã diễn ra đúng như sự tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

8. Diễn văn Quốc khánh 2/9/1960 có đoạn viết: “Trong lúc chúc mừng ngày Quốc khánh vĩ đại lần thứ 15, chúng ta càng nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang anh dũng đấu tranh chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm. Chúng ta gửi đến đồng bào miền Nam mối tình ruột thịt và hứa với đồng bào rằng: Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Người gạch dưới trong bản thảo các chữ “chậm lắm là 15 năm nữa”. Đúng 15 năm sau, mùa xuân 1975, với thắng lợi vĩ đại của chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam giải phóng, non sông liền một dải như dự báo của của Người. 

9. Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Người dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”[7].

Nghiên cứu những dự báo thiên tài của Hồ Chí Minh cho thấy, cần dựa trên căn cứ khoa học, làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chiến lược, xác định mục tiêu, kế hoạch, tổ chức lực lượng, lựa chọn cách thức giải quyết các vấn đề liên quan một cách phù hợp, đem lại hiệu quả cao. Đó cũng là yêu cầu thực tiễn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Phòng Lý luận chính trị - Lịch sử Đảng

Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

---------------------------------------

[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.4.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 1, tr.263-264.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.250-251.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.267

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.466

[6] Trần Trọng Trung, Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 819.)

[7] Hồ Chí Minh, Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân - Hà Nội, 1990, tr.203.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo