Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Cần hỗ trợ địa phương xử lý dứt điểm các các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 8/9, đoàn giám sát của HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát tại UBND huyện Bình Chánh về việc giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri đối với công tác quản lý nhà nước về môi trường và kiểm tra xử lý về ô nhiễm môi trường; công tác quản lý trật tự xây dựng; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải quyết các hồ sơ chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang tồn đọng; chậm chi trả bồi thường do thu hồi đất trong dự án Khu công nghiệp Lê Minh Xuân; kết quả chi hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và kết quả giải quyết một số đơn thư kiến nghị cụ thể của người dân.

Tham gia cùng đoàn giám sát có Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng; Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Văn Nam; Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Lê Trương Hải Hiếu.

Kiểm tra, xử lý 33/33 trường hợp phản ánh của người dân về tình hình ô nhiễm môi trường

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tài cho biết, trong 8 tháng đầu năm, huyện kiểm tra 263 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó đã di dời 26 cơ sở, ban hành 93 quyết định xử phạt hành chính hơn 4,1 tỷ đồng, đã thực hiện xong 42 trường hợp với hơn 980 triệu đồng, còn 5 trường hợp đang củng cố hồ sơ chuẩn bị cưỡng chế thi hành.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã tiếp nhận và chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND xã, thị trấn kiểm tra, xử lý 33/33 trường hợp phản ánh của người dân về tình hình ô nhiễm môi trường, trong đó, giải quyết thông tin phản ánh qua báo chí là 8/8 trường hợp. Riêng địa bàn xã Vĩnh Lộc A đã kiểm tra, giải quyết 7/7 trường hợp, trong đó, thông tin phản ánh của báo chí 3/7 trường hợp.

Hiện nay, dân cư trên địa bàn huyện phân bố không đều, nhiều tuyến đường vắng, đất trống, người kinh doanh đã thải bỏ chất thải, làm phát sinh rác thải, như ở đường Võ Trần Chí, Quốc lộ 1A, Trần Đại Nghĩa, Trần Hải Phụng, Nguyễn Văn Linh... Đồng thời, nhiều cơ sở từ nội thành di dời về mua đất, xây dựng nhà xưởng để hoạt động, dẫn đến việc phản ánh có phát sinh tiếng ồn, rung, mùi hôi nằm xen cài trong khu dân cư.

Các đại biểu phát biểu tại buổi giám sát. Các đại biểu phát biểu tại buổi giám sát.

Bên cạnh đó, huyện thiếu quỹ đất để di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, cơ sở tái chế phế liệu và cơ sở nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; trong khi đó, các dự án đầu tư khu công nghiệp trên địa bàn không đồng ý tiếp nhận các cơ sở ngành nghề có phát sinh ô nhiễm môi trường; đồng thời, chưa có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tự di dời vào khu sản xuất tập trung…

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng chí Nguyễn Văn Tài kiến nghị HĐND TP quan tâm theo dõi, chỉ đạo các ngành chức năng liên quan cần quy hoạch khu vực chuyên biệt cho hoạt động tái chế để di dời các cơ sở tái chế đang chấp hành tốt các quy định pháp luật đang hoạt động xen cài trong khu dân cư; kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP thành lập tổ công tác để xúc tiến việc di dời, bố trí các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh vào các khu công nghiệp để hoạt động đảm bảo quy định.

Kiến nghị TP tạo điều kiện cho các hộ gia đình được xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp

Đối với công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đồng chí Nguyễn Văn Tài cho biết, trong năm 2022, huyện đã lập hồ sơ xử lý 55 trường hợp vi phạm xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, san lấp đất nông nghiệp, đã khắc phục xử lý 23 trường hợp. Hiện huyện đang hoàn thiện các thủ tục tống đạt quyết định, xây dựng phương án, kế hoạch, vận động người vi phạm chấp hành trước khi cưỡng chế để xử lý dứt điểm 32 trường hợp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tài báo cáo tại buổi giám sát. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Tài báo cáo tại buổi giám sát.

Về vi phạm trật tự xây dựng, huyện đã lập hồ sơ xử lý 6 trường hợp vi phạm xây dựng, trong đó 1 không phép; 5 sai phép; đã xử lý 2 trường hợp; tiếp tục xử lý 4 trường hợp sai phép, không còn tồn trường hợp vi phạm xây dựng không phép trong năm 2022 chưa xử lý.

Ngoài xử lý 25 trường hợp phát sinh mới trong năm, các xã, thị trấn đã tập trung xử lý các trường hợp vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tồn các năm trước. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tài, các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng còn tồn nhiều gây áp lực, quá tải với cán bộ, do mỗi xã chỉ có 2 - 3 công chức phụ trách việc này. Một số trường hợp tồn chưa xử lý từ năm 2009 đến nay đã thay đổi chủ sử dụng bằng cách mua bán giấy tay, hoặc hồ sơ lưu trữ không đầy đủ nên gây khó khăn trong công tác xử lý.

“Bên cạnh đó, diện tích đất nông nghiệp của huyện còn nhiều, nhiều hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xây dựng các công trình xây dựng phục vụ mục đích sản xuất nông nghiệp như trồng lan, làm trại nấm, nhưng chưa được phép thực hiện. Hiện TPHCM chỉ thí điểm tại 3 huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi” - đồng chí Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh và kiến nghị TP xem xét cho huyện thực hiện chủ trương xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp và phi nông nghiệp khác trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao Huyện ủy và UBND huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành huyện và chính quyền địa phương ban hành chương trình, kế hoạch giải quyết, đồng thời, phối hợp với các sở ngành TP tập trung tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của huyện, trong đó, có các vấn đề bức xúc của cử tri huyện, góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ trao đổi với các đại biểu. Đồng chí Nguyễn Thị Lệ trao đổi với các đại biểu.

Đồng chí đề nghị huyện cần tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về môi trường, nhất là tập trung chỉ đạo kiểm tra hoạt động các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở tái chế phế liệu; tập trung rà soát, xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm tồn đọng, các bãi rác tự phát và các cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu; đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng, không để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, trái phép; chủ động phối hợp với các sở ngành TP hướng dẫn địa phương để kịp thời tháo gỡ các khó khăn của huyện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; tập trung xử lý dứt điểm các công trình xây dựng vi phạm đang tồn đọng để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh trong công tác quản lý nhà nước. Ngoài ra, rà soát quy hoạch sử dụng đất, xác định rõ từng trường hợp bị ảnh hưởng dự án đường Vành đai 3, xác định ranh mốc cụ thể…

Đối với Sở Tài nguyên Môi trường, đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu tiếp tục quan tâm hỗ trợ địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm các các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; báo cáo UBND TP sớm chỉ đạo tháo gỡ cho địa phương trong thực hiện thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 240 hồ sơ đang tồn đọng.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo