Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Chống hàng gian, hàng giả chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp đồng bộ

Hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng được chào bán tràn lan

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều ý kiến luật sư cho rằng, việc tăng chế tài xử phạt chỉ là xử lý bề nổi của vấn đề; công tác chống hàng gian, hàng giả chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ.

Khó xác định hành vi vi phạm

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD), từ ngày 15/10, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng. Mức phạt này có thể tăng lên gấp đôi tuỳ theo trường hợp cụ thể.

Với quy định mới này, kể từ ngày 15/10/2020, các cá nhân bán hàng xách tay có thể bị phạt mức tối đa lên đến 100 triệu đồng và mức phạt 200 triệu đồng đối với tổ chức. Thế nhưng, trên thị trường, nhất là các trang bán hàng qua mạng, facebook, zalo... vẫn rao nhan nhãn “hàng xách tay từ Úc, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn...” và cam kết “đảm bảo uy tín, chất lượng”. Nhiều NTD chuộng hàng ngoại giá rẻ (người bán hàng xách tay trốn thuế, giảm giá sản phẩm để cạnh tranh) chuyên mua hàng xách tay qua kênh này nhưng gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng mà không khiếu nại được. Đáng lo, nhiều hàng xách tay là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc, mỹ phẩm... không rõ nguồn gốc, chất lượng.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM, cho biết: mới đây văn phòng tiếp nhận nhiều vụ khiếu nại liên quan đến mua hàng xách tay kém chất lượng. NTD mua mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài về bán qua mạng, đợt mua đầu tiên đúng hàng chất lượng nhưng đợt mua thứ hai là hàng giả. Nhưng vì mua hàng xách tay qua mạng, không có giấy tờ, hóa đơn, không biết rõ người bán... nên NTD khiếu nại, Hội cũng không thể tìm ra được người bán và không có giấy tờ, cơ sở buộc người bán chịu trách nhiệm được.

Một trường hợp khác, có tới hơn 100 nạn nhân mua phải cục sạc pin dỏm rao bán qua mạng khiếu nại với Hội Bảo vệ quyền lợi NTD TPHCM. Hội đã hướng dẫn các nạn nhân gửi đơn tố cáo đối tượng bán hàng lên cơ quan công an nhưng đơn chưa được thụ lý. Luật gia Phan Thị Việt Thu cho hay, đối tượng lừa đảo đăng hình ảnh cục sạc pin đẹp, giá bán chỉ 350.000 đồng/cái, có khách mua tới 10 sản phẩm; nhưng khi giao hàng, khách nhận được chỉ là vỏ cục sạc pin chứ không có ruột. Dù nạn nhân đã tổng hợp hơn 100 trường hợp bị lừa tương tự, gửi đơn kiện lên Công an TPHCM nhưng cơ quan này trả lời giá trị hàng hóa nhỏ, yêu cầu từng nạn nhân phải gửi đơn tố cáo riêng thì mới tiếp nhận, giải quyết.

Theo luật gia Luật gia Phan Thị Việt Thu, Nghị định mới tăng mức phạt lên để răn đe đối tượng vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay nhưng đó không phải là mấu chốt để giải quyết vấn đề tận gốc. Quan trọng hơn là biện pháp kiểm soát hàng lậu, hàng xách tay như thế nào để phát hiện, xác định được hành vi vi phạm kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay, từ đó mới có cơ sở để áp dụng mức xử phạt.

Hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng được chào bán tràn lan Hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng được chào bán tràn lan

Thực tế, tình trạng kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay núp bóng dưới nhiều hình thức, các cá nhân bán hàng xách tay thường lách bằng cách không mang về một lúc lượng hàng nhiều mà mang lượng hàng nhỏ lẻ theo mức nhà nước cho phép đối với cá nhân xách tay hàng về sử dụng, họ gom lại nhiều lần rồi bán qua facebook, zalo..., nên cơ quan nhà nước khó xác định được hành vi nào vi phạm kinh doanh hàng xách tay khi họ cố tình né; cần phải có biện pháp kiểm soát kênh bán hàng qua mạng chặt chẽ hơn thì mới hạn chế được tình trạng này.

“Mức phạt tăng cao theo quy định mới chỉ có thể răn đe được những đối tượng bán hàng xách tay công khai trước giờ, ngang nhiên treo bảng “hàng xách tay”; còn khi họ bán hàng qua mạng thì khó nắm “kẻ không tóc”; cần tăng cường biện pháp kiểm soát và làm sao xác định được hành vi vi phạm để xử phạt”, Luật gia Phan Thị Việt Thu nói.

Giải pháp đồng bộ

Theo phân tích của các luật sư, hàng lậu là hàng vận chuyển qua biên giới mà không khai báo thủ tục hải quan đầy đủ. Đây là hành vi bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, đối tượng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Đặc biệt là với tình trạng bán hàng xách tay tràn lan trên thị trường hiện nay thì các đối tượng lợi dụng hàng xách tay, hàng miễn thuế để đưa hàng về qua những đường tiểu ngạch, không khai báo hải quan. Điều này dẫn tới tình trạng Nhà nước thất thu thuế, không kiểm soát được chất lượng của những mặt hàng này.

Hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng được chào bán tràn lan Hàng xách tay không rõ nguồn gốc, chất lượng được chào bán tràn lan

ThS Luật Nguyễn Thị Cẩm Vân, Văn phòng Luật sư Trần Hải Đức, phân tích: cá nhân có hành vi bán hàng xách tay không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định, không làm thủ tục hải quan... thuộc trường hợp được xác định là hàng hóa nhập lậu theo quy định trong Nghị định 98/2020/NĐ-CP, thì cá nhân đó sẽ bị phạt tiền tối đa đến 100 triệu đồng với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Việc nâng chế tài xử phạt bằng tiền lên gấp hai lần so với quy định cũ thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ khi Việt Nam đã là thành viên các hiệp định đa phương, song phương mà nước ta đã ký kết, tham gia.

Tuy nhiên, ThS Cẩm Vân cho rằng, việc tăng chế tài xử phạt chỉ là xử lý bề nổi của vấn đề; công tác chống hàng gian, hàng giả chỉ phát huy hiệu quả khi thực hiện các biện pháp mang tính đồng bộ, quan trọng nhất từ lực lượng thực thi nhiệm vụ. Các cơ quan hữu trách phải ngăn chặn sự xâm nhập của hàng gian, hang giả, hàng nhập lậu từ khâu kiểm soát tại biên giới, tránh để nguồn hàng này thâm nhập vào thị trường nội địa, vì lúc này, việc xử lý chỉ giải quyết phần ngọn mang tính đối phó.

Nhiều ý kiến cho rằng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát lại các kênh bán hàng online thì mới hạn chế được tình trạng buôn bán hàng lậu; phải truy được tận gốc cơ sở nào đang thực hiện hành vi vi phạm, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và công khai các cơ sở để răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm chung. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật đối với những người bán hàng lậu trên online rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý rất nặng.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nói rõ: hàng xách tay chỉ được sử dụng, nhưng khi buôn bán thì phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; nếu không kinh doanh hàng xách tay sẽ là hành vi kinh doanh hàng lậu. Hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử, để phát hiện, xử phạt rất khó. Cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên nhưng số vụ phát hiện, xử phạt chỉ mới là bề nổi của tảng băng chìm.

“Để kiểm soát, ngăn chăn hiệu quả hành vi kinh doanh hàng lậu, cơ quan hữu trách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, phát hiện hàng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính..., nhất là vai trò của chính quyền địa phương, của mỗi người dân chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam rồi, trưng bày lên kệ bán thì cơ quan chức năng mới kiểm tra, xử phạt. Tăng mức xử phạt chỉ là một trong những giải pháp, quan trọng phải quản từ gốc” - Luật sư Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Sơn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo