Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” ​

Một tiết mục nghệ thuật tại Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình.” (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tối 27/7, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp các địa phương tổ chức cầu truyền hình chương trình nghệ thuật “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu: Hà Nội, TPHCM, Hà Giang, Quảng Nam, Bình Định, An Giang.

Tại điểm cầu Hà Nội (Tượng đài Bắc Sơn) có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Tại điểm cầu TPHCM (Đền Bến Dược, huyện Củ Chi), có sự tham dự của các  đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Tại điểm cầu Quảng Nam (Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng) có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Toà án nhân dân Nguyễn Hoà Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Tại điểm cầu Bình Định (Đền thờ liệt sĩ Thị xã Hoài Nhơn) có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Đại tướng Lương Cường; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài.

Tại điểm cầu Hà Giang (Nghĩa trang Vị Xuyên) có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng.

Tại điểm cầu An Giang (Nghĩa trang Liệt sĩ An Giang) có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Tiết mục “Bài ca không quên” được thể hiện tại điểm cầu TPHCM Tiết mục “Bài ca không quên” được thể hiện tại điểm cầu TPHCM

Cầu truyền hình “Khúc tráng ca hòa bình” tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Tiết mục “Đất nước” do ca sĩ Thanh Lam và nhóm múa tại TPHCM, dàn nhạc giao hưởng thể hiện Tiết mục “Đất nước” do ca sĩ Thanh Lam và nhóm múa tại TPHCM, dàn nhạc giao hưởng thể hiện

Mãi mãi tuổi 20

Chia sẻ tại chương trình, bà Trần Thị Dự, 74 tuổi, quê Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam cho biết, 17 tuổi, chứng kiến quê hương bị địch tàn phá, người thân, bà con bị giày xéo, tra tấn dã man, bà đã xung phong vào đội du kích địa phương. 23 tuổi đã trở thành huyện đội phó bảo vệ Núi Thành quê hương.

Hoạt cảnh với hình ảnh về những cam go và giây phút vỡ òa khi lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc lập trong Đại thắng mùa xuân năm 1975 tại điểm cầu TPHCM Hoạt cảnh với hình ảnh về những cam go và giây phút vỡ òa khi lá cờ tung bay trên nóc Dinh Độc lập trong Đại thắng mùa xuân năm 1975 tại điểm cầu TPHCM

Bà kể về chị Phương, chị Liên - những đồng đội hi sinh khi mới 19, 20, còn chưa kịp có người yêu. Cô Liên thân bà Dự nhất, có 4 năm 2 chị em chiến đấu bên nhau. Cô Liên hi sinh trong một lần làm nhiệm vụ đi diệt ác ôn. Khi cải trang theo tên Việt gian đến địa điểm ăn trưa của hắn, cô Liên tung lựu đạn. Nhưng lựu đạn không nổ, cô bị phát hiện. Một mình cô chống lại cả đại đội địch, chúng đuổi và vây cô đến giữa cánh đồng thì cô bị bắt. Giặc bắn cô nát hết người, cô chết rồi chúng vẫn còn bắn.

Những trận đánh vô cùng khốc liệt lại diễn ra gây nhiều thương vong cho địch. Tuy nhiên, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Sau khi kết thúc trận đánh, quân địch đã dùng phương tiện xe cơ giới kéo thi thể của các liệt sĩ vùi lấp vào hố chôn tập thể... Hình hài xương thịt các đồng chí đã trở thành đất đá, cỏ cây, thành những mạch nước chảy trong lòng đất mẹ, hòa vào truyền thống cội nguồn của dân tộc. Sự hi sinh của các đồng chí đã để lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân…

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM

Hỗ trợ đồng đội xây dựng, tu sửa nhà cửa, làm ăn

Tại điểm cầu TPHCM, khán giả được chứng kiến niềm vui ngày đoàn tụ khi chị Đinh Thị Minh, con gái liệt sĩ Đinh Công Thảo hy sinh trên chiến trường K (Campuchia) đã tìm được hài cốt của cha mình.

Liệt sĩ Đinh Công Thảo, sinh năm 1945, quê quán Hà Yên, Hà Trung, Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1963 và hy sinh năm 1967 tại chiến trường Campuchia. Khi người chiến sĩ Đinh Công Thảo lên đường chiến đấu, cô con gái Đinh Thị Minh mới lên 2 tuổi, không giữ được nhiều kí ức về người cha. Khi cha hi sinh, mẹ ở vậy nuôi con. Bố hi sinh, gia đình không có điều kiện đi tìm nên lúc nào nghĩ đến bố đều xúc động vì thương bố chưa về được nhà.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM

Năm 2002, Đội Quy tập K53 thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã quy tập được một số hài cốt liệt sĩ từ Campuchia đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Kontum. Tất cả những trường hợp lúc đó đều là chưa xác định được thông tin. Mãi đến tận năm 2022, bằng phương pháp thực chứng, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Kon Tum đã xác định được tên của 33 liệt sĩ chưa có danh tính, trong đó có liệt sĩ Đinh Công Thảo.

Cuộc gặp gỡ trên sân khấu giữa gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Bân và Đội quy tập K53. Đội quy tập K53 trao lại kỷ vật của liệt sĩ Đỗ Văn Bân cho gia đình đã mang lại niềm xúc động trong lòng khán giả.

Hay câu chuyện cựu binh Nguyễn Đình Lực, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, từ nhỏ, Nguyễn Đình Lực đã được cha là họa sĩ Nguyễn Đình Tường hướng dẫn những nét vẽ cơ bản đầu tiên. Tháng 2/1975, chàng thanh niên Nguyễn Đình Lực xếp bút nghiên, giá vẽ, bút lông lên đường nhập ngũ. Trong một lần làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, không may ông bị thương, cánh tay phải trúng đạn địch, giập nát và không thể giữ lại cánh tay cho ông. Mang trong mình sự lạc quan của người lính cụ Hồ, cựu binh Nguyễn Đình Lực học vẽ bằng tay trái, và vẽ nên bức tranh hạnh phúc của riêng mình.
Theo cựu binh Võ Thanh Triên, Bình Định, rời chiến trường Campuchia vào năm 1984 với tỷ lệ mất sức lao động lên đến 81%, ở tuổi 56 ông lại bắt tay vào làm kinh tế với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng. Hiện trở thành một lão nông thành đạt với lãi suất nuôi tôm mỗi năm đạt từ 2-5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc giúp đỡ các hộ nuôi tôm, gia đình ông còn tích cực tham gia đóng góp cho xã hội. Cấp vốn không tính lãi cho nông dân ở địa phương. Đóng góp tiền để tu sửa nghĩa trang liệt sỹ xã Hoài Mỹ. Đặc biệt, ông còn cho các đồng đội, cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn vay mượn từ 20 triệu đến 50 triệu đồng để xây dựng, tu sửa nhà cửa, làm ăn...

Khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh

Ở chương ba “Khát vọng hòa bình”, chương trình mang đến cho khán giả hình ảnh những người thương binh trở về với hòa bình, mang theo tinh thần lạc quan "tàn mà không phế", chung tay vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, đồng hành cùng đất nước khi sang những trang sử mới: trang sử của hòa bình, phát triển và phồn vinh.

Tiết mục văn nghệ tại điểm cầu TPHCM Tiết mục văn nghệ tại điểm cầu TPHCM

Đó là hình ảnh của Thượng úy Đinh Văn Dương, một người lính bộ đội Cụ Hồ. Cách đây đúng 7 năm, vụ tai nạn máy bay ở xã Bình Yên (Thạch Thất, TP Hà Nội) khiến 20 thành viên tham gia chuyến bay huấn luyện nhảy dù của Tiểu đoàn Đặc công 18, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hy sinh. Trên chuyến bay ấy, duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương sống sót.

Vụ tai nạn thảm khốc làm anh vĩnh viễn mất đi đôi chân, đôi bàn tay lành lặn, toàn thân bị bỏng nặng, dị dạng, mất 99% sức khỏe. Nhưng với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, thương binh Đinh Văn Dương đã vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, tự tin vươn lên trong cuộc sống. Khi anh bị tai nạn, cháu đầu Đinh Thị Hải Yến mới 4 tuổi, cháu thứ hai là Đinh Hải Anh còn chưa sinh ra. Căn hộ có diện tích gần 70m2 vợ chồng anh đang ở tại phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội) được Nhà nước, quân đội cấp.

Bên cạnh ý nghĩa lịch sử đặc biệt, cầu truyền hình "Khúc tráng ca hòa bình" còn là dịp giáo dục truyền thống, từ đó rút ra những bài học sâu sắc cho lớp trẻ hôm nay và trong tương lai về việc chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình cũng như khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh với những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu".

Chương trình nghệ thuật “Khúc ca hoà bình” đã tái hiện và khắc ghi những trang sử hào hùng của dân tộc, những người đã ngã xuống và hy sinh cho khát vọng hòa bình cháy bỏng của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Chương trình có 3 chương theo từng chủ đề riêng. Chương 1 với chủ đề “Những dấu chân hòa bình”. Dân tộc ta, từ bao đời nay cứ khi Tổ quốc lâm nguy, đất nước cần đến, hay nền hòa bình bị đe dọa thì lớp lớp thế hệ lại sẵn sàng lên đường. Những dấu chân thế hệ từ thuở dựng nước đến ngày nay đều cất bước, để lại dấu ấn không thể quên về một thời ta đã "sống và hy sinh vì hòa bình".

Chương 2 với chủ đề “Bài ca không quên” - Cống hiến hết mình, không ngại khó, ngại khổ hay gian lao - đi qua những mất mát của chiến tranh - đường về nhà của những "dấu chân hòa bình" mỗi người mỗi khác. Đồng thời, có những người trở về với dấu chân tròn trên cát, có người mất nhiều chục năm sau để đoàn tụ được với người thân, có những ngưởi mải miết đi tìm những đồng đội cũ.. tất cả để tri ân - tưởng nhớ những người đã ngã xuống.

Chương 3 với chủ đề “Khát vọng hòa bình” - Người Việt Nam hiểu hơn hết về "cái giá của hòa bình" sau quá nhiều đổ máu và mất mát vì chiến tranh; các thế hệ chung tay giữ gìn, bảo vệ hòa bình; khơi dậy động lực cống hiến - hi sinh vì một Việt Nam phát triển, phồn vinh như tinh thần đã được khẳng định tại Đại hội XIII; mở ra những cơ hội lớn "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ hằng mơ ước.

Cùng với những câu chuyện sâu lắng ở 6 điểm cầu, âm nhạc là sợi dây xuyên suốt kết nối và truyền tải nội dung. Cùng với đó, những nét âm nhạc đặc trưng của các vùng miền hay đặc trưng theo từng thời kỳ cũng được khéo léo lồng ghép trong chương trình, để thấy trong chiến tranh, âm nhạc vẫn thường vang lên, ở đó vẫn có sự lạc quan, vẫn có tinh thần yêu đời và hy vọng vào ngày mai có hòa bình.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo